Đề xuất nới "room" ngoại cho các ngân hàng
Nhiều ngân hàng và chuyên gia đề xuất: Những ngân hàng đã hoàn thành Basel II, đang nâng cao lên Basel III có thể được nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30%.
Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã có buổi làm việc về dự thảo báo cáo "Nghiên cứu tính cần thiết của việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng".
Từ năm 2017 đến năm 2020, số lượng cổ đông nước ngoài tại 16 ngân hàng thương mại đã tăng từ 42 tổ chức lên xấp xỉ 90 tổ chức. Họ là những nhà đầu tư lớn, tiềm lực tài chính mạnh, trình độ quản trị mang tầm vóc quốc tế và khu vực; nhờ đó các ngân hàng thương mại tăng qui mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên. các chuyên gia cho rằng nếu so với con số 31 ngân hàng thương mại đang hiện diện ở nước ta thì số 16 ngân hàng thương mại có cổ đông chiến lược còn rất khiêm tốn. Muốn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thì đây là một kênh gọi vốn cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ các ngân hàng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng tốc áp dụng tiến bộ công nghệ thanh toán hiện đại, mở rộng dịch vụ tiện ích, phổ cập tài chính toàn diện.
Cùng có quan điểm giống như các chuyên gia Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác chiến lược đã khó, nhưng khi đàm phán để đi đến kết quả chung cuộc, thì vướng mắc lớn nhất tập trung vào tỷ lệ vốn chủ sở hữu.
Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20 tháng 02 năm 2014. Cùng với các quy định mang tính mở đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất chú ý đến việc mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Theo quy định của Nghị định này, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài: Cá nhân nước ngoài: không quá 5% vốn điều lệ; Tổ chức nước ngoài: không quá 15% vốn điều lệ; Nhà đầu tư chiến lược: không quá 20% vốn điều lệ; Nhà đầu tư nước ngoài Người có liên quan: không quá 20% vốn điều lệ.
Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của tổ chức tín dụng Việt Nam sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần như trên.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, dường như tỷ lệ sở hữu vốn trên đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại. Các chuyên gia đề xuất kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước: Cân nhắc cách tiếp cận mở việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, về phát triển fintech; cập nhật quan điểm về mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoai; cải thiện khung pháp lý để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; đối thoại cởi mở hơn với cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến cơ cấu sở hữu tại các ngân hàng thương mại.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, bên cạnh các ngân hàng tự chủ động khắc phục khó khăn do nguyên nhân chủ quan như: nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đổi mới công nghệ, xử lý nợ xấu… để tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng, thì vấn đề hoàn thiện khung pháp lý theo hướng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, ổn định lâu dài, nhất quán là điều rất cần thiết. Việc quy định tỷ lệ ở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài cần được phân loại theo nhóm, đối với nhóm các ngân hàng thương mại có thể nới room tùy theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng thương mại đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như đã quy định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nêu rõ, việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý nhà nước. Chính sách rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập.
PVMỗi ngày, chúng ta thải ra hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Ngoại trừ các loại rác không thể tái chế chiếm số lượng nhỏ, phần lớn còn lại vẫn chưa thực sự được khai thác triệt để và tận dụng hết giá trị. Có thể nói, chúng ta vẫn còn đang lãng phí nguồn tài nguyên rác thải này.