Đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa gần 4%

Kinh doanh
03:21 PM 12/04/2022

Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT cho phép tăng khung trần giá vé máy bay nội địa thêm bình quân gần 4% so với hiện hành để các hãng ứng phó với chi phí tăng cao do giá xăng dầu tăng liên tục.

Mức tăng được Cục Hàng không đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải là 3,75% so với khung giá quy định hiện hành, tức là về mức quy định thời điểm năm 2014.

Cụ thể, tăng giá trần đường bay 500 - 850km từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (tương đương 2,27%).

Đường bay 850 - 1.000km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (tương đương 3,58%).

Đường bay 1.000 - 1.280km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (tương đương 6,25%).

Đường bay 1.280km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (tương đương 6,67%).

Đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa gần 4% - Ảnh 1.

Do giá nhiên liệu bay tăng cao khiến các hãng hàng không trong nước phát sinh thêm hàng chục nghìn tỉ đồng chi phí

Cục Hàng không cho rằng giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, các hãng kê khai dải giá với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường... Thông thường, số lượng vé được bán với mức giá cao nhất (giá trần) chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

“Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé mà ngược lại, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, tăng cường các mức giá vé rẻ nhằm kích cầu, khuyến khích hành khách đi máy bay” - Cục Hàng không nêu rõ.

Trước đó, tháng 9/2015, Cục Hàng không đã ban hành văn bản số 5010 điều chỉnh giảm trần giá vé máy bay khoảng 3,5% do giá nhiên liệu bay giảm mạnh.

Nguyên nhân khiến Cục Hàng không đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương điều chỉnh mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa là để giúp các hãng hàng không giảm chi phí do nhiên liệu bay tăng cao.

Từ tháng 5/2020 đến hết năm 2021, giá nhiên liệu Jet A1 có xu hướng tăng mạnh và tiệm cận mức giá giai đoạn năm 2018 - 2019. Đặc biệt, đầu 2022, bất ổn về tình hình chính trị trên thế giới liên quan xung đột Nga và Ukraine khiến giá nhiên liệu Jet A1 cao đột biến.

Điều này đã làm tổng chi phí của các hãng hàng không trong nước tăng hơn 30%.

Theo tính toán của Cục Hàng không, giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố khác không có biến động thì chi phí nhiên liệu tháng 4/2022 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12/2014 và tăng 84% so với tháng 9/2015.

Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Khắc Hải cho biết: "Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí nhiên liệu ước tính của Bamboo Airways sẽ tăng thêm khoảng 3.200 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng lên đến 4.600 tỷ đồng nếu mức xăng dầu lên đến mức 150 USD/thùng".

Tương tự, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines Trịnh Hồng Quang cho biết, chi phí của hãng sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng nếu giá nhiên liệu bay là 130 USD/thùng. Nếu giá nhiên liệu lên tới 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm tới hơn 9.100 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến năm 2022 của hãng. Tình hình cũng không khả quan hơn với Vietjet khi chi phí của hãng sẽ phải tăng thêm tới 5.200 tỷ đồng nếu nhiên liệu Jet A1 duy trì ở mức 130 USD/thùng. Con số tương ứng với Vietravel Airlines là 310 tỷ đồng.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.