Đề xuất tăng mức bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới
Bộ Tài chính đề xuất tăng mức đền bù bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc từ 50 triệu đồng lên 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, cơ quan này đề xuất tăng mức đền bù bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc lên 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn, tăng 50 triệu đồng so với hạn mức bồi thường tối đa đối với thiệt hại về người trước đó là 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn.
Ngoài ra, nội dung dự thảo cũng đề cập tới mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự gây ra là 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
Đồng thời, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do ôtô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng gây ra là 100 triệu đồng/vụ tai nạn.
Bộ Tài chính cũng giữ nguyên biểu phí bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc của chủ xe cơ giới hàng năm, trong đó xe máy trên trên 50 cc là 60.000 đồng (chưa VAT), ôtô dưới 6 chỗ không kinh doanh vận tải là 437.000 đồng(chưa gồm VAT). Trong dự thảo này, Bộ bổ sung biểu phí tham gia bảo hiểm cho xe máy điện là 55.000 đồng (chưa gồm VAT).
Bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc không chi trả thiệt hại về người và phương tiện cho người mua bảo hiểm hay được hiểu là chủ xe. Đây là loại bảo hiểm mà công ty bảo hiểm sẽ thay chủ xe để bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) nếu chủ xe không may gây tai nạn.
Về mức chi cho công tác đề phòng, hạn chế tổn thất, tai nạn giao thông đường bộ, bộ Tài chính quy định không vượt quá 10% tổng số tiền đóng vào quỹ hàng năm và số dư quỹ năm trước (nếu có).
Mức chi để tổ chức tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông đường bộ và chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không vượt quá 15% tổng số tiền đóng vào quỹ hàng năm và số dư quỹ năm trước (nếu có).
Bên cạnh đó, chi hỗ trợ nhân đạo với các mức cụ thể không thấp hơn 35% tổng số tiền đóng vào quỹ hàng năm và số dư quỹ năm trước (nếu có).
Chi hoàn thiện, duy trì hoạt động cơ sở dữ liệu về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không vượt quá 10% tổng số tiền đóng vào quỹ hàng năm.
Chi quản lý quỹ bảo hiểm xe cơ giới gồm chi lương, phụ cấp, bảo hiểm, thuê văn phòng, thuê kiểm toán, chi văn phòng phẩm, mua sắm trang thiết bị, chi phí đi lại, tổ chức họp và chi khác liên quan đến hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm xe cơ giới không vượt quá 5% tổng số tiền đóng vào quỹ hàng năm.
P. ThủyVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.