Đề xuất tăng phí BOT: Thêm gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải?

Đời sống
09:59 PM 14/05/2020

Nhiều chuyên gia khẳng định thời điểm hiện tại chưa phải là thời gian thích hợp để tăng phí BOT bởi doanh nghiệp vẫn còn đang rất khó khăn.

Trong hình: Trạm thu phí phía Nam Cầu Giẽ. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.

Bộ Giao thông-Vận tải vừa có kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án tăng phí BOT theo hợp đồng dự án nhằm gỡ khó cho nhà đầu tư sụt giảm doanh thu.

Doanh nghiệp càng thêm khó khăn

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Võ, giám đốc điều hành công ty CP Du lịch Đức Mạnh cho rằng đề xuất này của bộ sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

“Dù đã hết giãn cách xã hội nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công ty vẫn rất vắng khách, tần xuất khách thuê xe cũng rất thấp. Do đó nếu phí BOT mà tăng thời điểm này thì doanh nghiệp sẽ tăng thêm gánh nặng”, ông Mạnh nói.

Mặt khác, ông Mạnh cũng cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp ông vẫn chưa được hưởng một đồng hỗ trợ nào về giảm giá dịch vụ, miễn giảm thuế phí từ Chính phủ.

Tôi không phản đối quyết định tăng nhưng đây không phải là thời điểm thích hợp để tăng phí BOT. Hiện tại, doanh nghiệp của tôi cũng chỉ đang hoạt động cầm chừng, việc xoay vòng vốn đang rất khó khă nên việc tăng phí BOT ở thời điểm này là chưa phù hợp”, ông Mạnh nói.

Cùng cảnh ngộ, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) cho biết, do tác động của dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp đang sống dở, chết dở.

“Việc kiến nghị cho phép tăng phí đường bộ một loạt các trạm BOT trên cả nước không khác gì một cơ thể ốm yếu lại bị “đạp” thêm một cái nữa cho chết hẳn” - ông Bằng nhấn mạnh quan điểm.

Ông Bằng bày tỏ mong Bộ GTVT, các doanh nghiệp BOT chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vận tải. Vì đơn vị vận tải khôi phục lại được hoạt động kinh doanh thì trạm BOT mới có thu, trong bối cảnh hiện nay việc đồng loạt tăng phí các trạm BOT trên cả nước sẽ vô hình trung đẩy doanh nghiệp vận tải vào chỗ nguy cơ phá sản.

Nên chọn thời gian thích hợp

Ở góc nhìn hiệp hội, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước và Bộ Giao thông Vận tải tính toán tăng thêm thời gian thu phí cho các nhà đầu tư BOT và nên giữ nguyên mức phí đối với dự án có mức thu đang cao. Với những dự án có doanh thu thu phí thấp hơn dự báo thì có thể điều chỉnh. Bộ Giao thông Vận tải nên chọn thời điểm đề xuất tăng phí phù hợp hơn, khi kinh tế trở lại gần như bình thường, hoạt động vận tải ổn định.

Trước đó như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ 2 phương án điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ của các dự án BOT.

Phương án 1 là cho phép tăng phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hợp đồng dự án. Bộ Giao thông Vận tải sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến chi phí vận tải, đồng thời chỉ đạo các địa phương bố trí lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí khi cần thiết.

Phương án 2 là giữ nguyên mức phí như hiện tại, chỉ thực hiện tăng phí theo lộ trình đã ký trong hợp đồng dự án từ năm 2022. Đổi lại, Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký. Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng để bố trí vốn. Bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư và ngân hàng cung cấp tín dụng.

Trên cơ sở phân tích cụ thể ưu, nhược điểm của các phương án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận phương án 1 vì có nhiều ưu điểm hơn và không phải bố trí ngân sách Nhà nước.

Bộ này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần có giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các dự án BOT giao thông, đồng thời giảm lãi vay phát sinh trong thời gian từ 1/2/2020 đến khi Việt Nam công bố hết dịch COVID-19, cộng thêm 3 tháng.

Về lâu dài, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương trước khi đầu tư tuyến đường ảnh hưởng đến dự án BOT đã triển khai cần có sự thống nhất của Bộ GTVT và các nhà đầu tư BOT bị ảnh hưởng. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ các tuyến đường địa phương hiện hữu để tránh ảnh hưởng đến doanh thu của các trạm thu phí.


Thống kê cho thấy, có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50% so với dự báo. Đặc biệt, các dự án BOT chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT theo chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo Enternews

Ý kiến của bạn