Đề xuất thành lập Ngân hàng Khí hậu Việt Nam cho chuyển dịch xanh
Hội thảo "Tài chính cho phát triển – vai trò của các định chế tài chính trong nước" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ Chương trình này, UNDP phối hợp với Bộ KH-ĐT thực hiện nghiên cứu "Đánh giá hoạt động các ngân hàng phát triển tại Việt Nam"; "Các thách thức và khuyến nghị để phát triển thị trường vốn tại Việt Nam". UNDP phối hợp với Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) thực hiện nghiên cứu "Ngân hàng khí hậu cho chuyển dịch xanh và công bằng".
Theo các chuyên gia, Hội thảo đưa ra những nghiên cứu ban đầu nhằm đưa ra những khuyến nghị và thảo luận chính sách nhằm phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp tư nhân, đảm bảo các nguồn tài chính công đóng góp có hiệu quả vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển.
Phát biểu tại hội thảo, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, cam kết mang tính bước ngoặt của Việt Nam đạt mức phát thải ròng khí carbon bằng "0" vào năm 2050 là rất táo bạo và có tầm nhìn. Khi đưa ra cam kết này, Chính phủ ghi nhận việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch có thể mang lại những lợi ích kinh tế hữu hình. Hiện nay đã có bằng chứng cho thấy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là bớt đi.
Tuy nhiên, việc giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất điện đến nông nghiệp, xây dựng, sản xuất, và vận tải.
"Đối với một nền kinh tế như Việt Nam, tài trợ quốc tế sẽ chỉ cung cấp một nguồn vốn bổ sung. Hầu hết các nhu cầu đầu tư sẽ phải được đáp ứng bởi các nguồn vốn trong nước. Vì thế, nâng cao năng lực huy động vốn dài hạn của các định chế tài chính trong nước là cốt lõi của quá trình chuyển đổi khí hậu", bà bà Ramla Khalidi nói.
Phần lớn cuộc thảo luận tập trung vào các nhu cầu tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng. Các ước tính cho thấy, Việt Nam sẽ cần phải huy động thêm từ 15-30 tỷ USD/năm - tức là đầu tư vượt mức đầu tư thông thường - để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế cao.
Hệ thống tài chính của Việt Nam tuy đã phát triển và đa dạng hơn, nhưng việc thiếu thị trường thứ cấp sâu rộng và có tính thanh khoản cao đã hạn chế khả năng cung cấp vốn dài hạn. Khu vực tư nhân quy mô nhỏ của Việt Nam là một trong những nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp không phát triển như kì vọng. Chi phí cao khi phát hành trái phiếu cũng là rào cản lớn với doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả do TS Đào Hoàng Tuấn đến từ Học viện Chính sách và Phát triển về "Các thách thức và khuyến nghị để phát triển thị trường vốn tại Việt Nam", chỉ có một số ít các tập đoàn tư nhân hoạt động mạnh ở các lĩnh vực khác có lợi thế cạnh tranh trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp (gồm các ngành tiện ích, giao thông vận tải, năng lượng và viễn thông).
Những vụ việc xảy ra gần đây trên thị trường trái phiếu cho thấy quản trị, công khai thông tin doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình là những hạn chế chính đối với sự phát triển của các thị trường thứ cấp năng động.
TS Đào Hoàng Tuấn phân tích: Ở nhiều nước trên thế giới, quỹ hưu trí là các nhà đầu tư quan trọng của thị trường trái phếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, xu hướng này chưa được ghi nhận tại Việt Nam. "Với quy mô tổng tài sản là 31 tỷ USD, Quỹ BHXH Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị trường trái phiếu trong nước. Việc hạn chế đầu tư vào các tài sản có tính rủi ro hơn ngoài trái phiếu chính phủ sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận thực cho Quỹ BHXH Việt Nam", TS Tuấn nói.
So với tỷ suất lợi nhuận của các quỹ hưu trí các quốc gia phát triển và đang phát triển, tỷ suất lợi nhuận của Quỹ BHXH Việt Nam ở mức rất thấp. Ví dụ, năm 2020, ở Quỹ an sinh xã hội quốc gia Trung Quốc có tỷ suất lợi nhuận là 13,45%, Quỹ EPF Malaysia 9,03%, Bình quân của các quốc gia thành viên OECD là 4%, BHXH Việt Nam là 2,3%.
Tương tự, ở các nước trên thế giới, nguồn vốn từ các công ty bảo hiểm thường là những nhà đầu tư quan trọng trên thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vai trò của các công ty bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm vẫn còn hạn chế do tính thanh khoản thấp. Năm 2021, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng hơn 23%, đạt khoảng 710 nghìn tỷ VNĐ, trong đó có khoảng 577 nghìn tỷ đồng (khoảng 25 tỷ USD) được đầu tư vào nền kinh tế.
Để phát triển thị trường vốn ở Việt Nam cần có chính sách phù hợp nhằm rỡ bỏ những trở ngại để tăng nguồn cung cấp tài chính dài hạn trong nước cho quá trình chuyển đổi năng lượng và các mục đích sử dụng khác.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường của Bộ KH-ĐT, cho biết: "Hiện tại Việt Nam được đưa vào danh sách "ưu tiên hợp tác năng lượng", và đang thảo luận với các quốc gia trên thế giới về các cơ chế tài chính khí hậu quốc tế khác nhau trong hỗ trợ chuyển dịch năng lượng".
"Tuy nhiên, con số các quốc gia tài trợ cho Việt Nam sẽ chỉ là một phần nhỏ trong chặng đường tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch năng lượng. Chúng ta cần củng cố các định chế tài chính trong nước để đảm bảo tài chính cho doanh nghiệp, đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế xã hội, đầu tư vào các dự án giúp chuyển dịch năng lượng trong trung và dài hạn", bà Yến nói.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu từ Chương trình chung hỗ trợ Việt Nam xây dựng Khung Tài chính tích hợp (INFF), các nhà kinh tế từ UNCTAD và SOAS, Đại học London và các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về tài chính khí hậu ở các bối cảnh phát triển khác nhau đã chia sẻ các tiền lệ trên toàn cầu và đóng góp tiềm năng của ngân hàng phát triển cho chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
Đồng thời, các chuyên gia cũng đề xuất thành lập Ngân hàng Khí hậu Việt Nam cho chuyển dịch xanh và công bằng. Ngân hàng Khí hậu Việt Nam góp phần tài trợ năng lượng dài hạn thông qua cung cấp bảo lãnh cho các khoản vay ngân hàng thương mại, tổ chức việc thực hiện tài chính có cấu trúc cho các dự án chậm triển khai và thậm chí là mua cổ phần trong các dự án mang lại lợi ích xã hội quan trọng.
Ngân hàng khí hậu Việt Nam là nhà cung cấp tài chính cho chuyển dịch công bằng với cơ chế tái cấp vốn chi phí thấp, khả năng thực hiện các mục tiêu về khí hậu song hành với phát triển kinh tế, xã hội; khả năng hỗ trợ cho người lao động và những cộng đồng bị ảnh hưởng để giảm thiểu tác động và tăng cơ hội.
Chương trình chung hỗ trợ Việt Nam xây dựng Khung Tài chính tích hợp có mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Nhật HàTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.