Đề xuất thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia
Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đề xuất trên nằm trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 94 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Theo dự thảo, Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia thực hiện đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động như đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và nước ngoài, trong đó bao gồm đầu tư mạo hiểm; tài trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp cho doanh nghiệp.
Một số hoạt động khác cũng được phép sử dụng quỹ này là tài trợ học bổng, kinh phí nghiên cứu cho các tổ chức nghiên cứu, các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên phát triển của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tài trợ học bổng cho sinh viên tài năng trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Quỹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, có sự tham gia góp vốn điều lệ của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các tổ chức, cá nhân khác. Việc quản lý, sử dụng vốn của quỹ sẽ theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro và đảm bảo công khai.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư phê duyệt điều lệ của quỹ, trong đó bao gồm loại hình doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức, vốn điều lệ, mức vốn góp của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, cơ chế thu hút, ủy thác nguồn vốn đầu tư, cơ chế tài trợ cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tỷ lệ chấp nhận rủi ro của quỹ trong hoạt động đầu tư.
Cũng theo dự thảo, việc thành lập quỹ đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm bổ sung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đây cũng là một trong những giải pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo như: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tập hợp các chuyên gia, nhà khoa học; xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhất là trong doanh nghiệp; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia...
Đến nay, các điều kiện khung phục vụ phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã được hình thành như: Chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, đổi mới hoạt động khoa học-công nghệ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai các quỹ hỗ trợ, phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, tăng cường gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất, kinh doanh…
Các doanh nghiệp dần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hoạt động đổi mới sáng tạo, đưa nội dung này trở thành trung tâm của các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
An Mai (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.