Đề xuất thiết lập “điểm tập kết hàng hóa” cho TMĐT tại khu cách ly
Mục đích nhằm tháo gỡ khó khăn logistics thương mại điện tử (TMĐT) đảm bảo lưu thông hàng hóa khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là khu vực bị cách ly, phong tỏa càng nhiều khiến việc giao hàng hóa của sàn thương mại khó khăn hơn.
Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phối hợp Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án cụ thể duy trì hệ thống giao nhận TMĐT, cần thiết xây dựng thiết lập "điểm tập kết hàng hóa" cho TMĐT ngay tại các khu cách ly tập trung hoặc các khu vực cư dân bị phong tỏa. Bởi thực tế, không phải hàng hóa lưu thông từ các tỉnh vào TP. Hồ Chí Minh khó khăn, mà ngay vào chặng cuối cùng, chỉ có việc giao cho khách hàng cũng gặp khó khăn không kém.
Đại diện sàn TMĐT điện tử Voso (Tổng Công ty Bưu chính Viettel Post) cho biết, việc giao hàng chặng cuối - tới tay người tiêu dùng vẫn có khó khăn nhất định khi một số khu vực bị hạn chế đi lại do giãn cách xã hội. Thường những đơn hàng giao chậm trễ hơn dự tính. Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, Voso sẵn sàng đổi 1-1 với những đơn hàng giao có dấu hiệu hư hỏng, không đạt chất lượng cam kết, nhưng về lâu dài, hoạt động hàng rau củ quả cho sàn không có điểm tập kết gặp nhiều khó khăn.
Nông sản là mặt hàng đặc thù, các khâu bảo quản và vận chuyển khắt khe hơn các mặt hàng thông thường. Để đảm bảo được độ tươi ngon, cần vận chuyển bằng xe lạnh, thời gian giao tối đa không quá 2 ngày mới có thể giữ được chất lượng tốt nhất của sản phẩm. Voso đã đầu tư thêm xe lạnh và tăng tuần suất chuyến tại các điểm đầu nối.
Tương tự, VnPost (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) cũng đang triển khai rất nhiều điểm bán hàng bình ổn giá tại điểm giao dịch của bưu điện. Đến nay, VnPost đã triển khai gần 2.000 điểm bán hàng tiêu dùng thiết yếu khắp các tỉnh miền Nam và TP. Hồ Chí Minh. Riêng TP. Hồ Chí Minh có khoảng 180 điểm. VnPost khuyến khích người dân đặt hàng online, qua điện thoại và khi có hàng bưu tá của bưu điện sẽ liên hệ chuyển phát tận nơi theo yêu cầu và thứ tự ưu tiên: hàng tươi sống là thịt cá, rau củ quả sẽ chuyển trước, những hàng khô như gạo, mắm, đường, sữa, dầu ăn, nước giặt, nước sát khuẩn sẽ chuyển kết hợp hoặc chuyển sau…
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì việc cung ứng nông sản, hàng hóa thiết yếu tại khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chịu áp lực rất lớn. Vì thế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã cùng các sàn TMĐT phối hợp lên phương án kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu, tăng cường nguồn cung hàng hóa, giảm áp lực cho thành phố. Đến nay, có 6 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam triển khai các chương trình bán hàng tiêu dùng thiết yếu như rau củ quả, lương thực, thực phẩm.
Quang DũngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.