Đề xuất xây dựng thành phố du lịch Ba Vì - Sơn Tây

Đầu tư và Tiếp thị
01:55 PM 14/08/2023

Đơn vị tư vấn đề xuất hình thành thành phố du lịch vùng Thủ đô Ba Vì - Sơn Tây, trong đó đô thị Sơn Tây là cửa ngõ, núi Ba Vì là trung tâm. Đây cũng là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đã phối hợp đơn vị tư vấn tổ chức hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo định hướng của đơn vị tư vấn tại hội thảo, Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ và Đan Phượng là 4 huyện, thị xã ngoại thành phía Tây trung tâm Thủ đô Hà Nội, kết nối với trung tâm Hà Nội chủ yếu qua Quốc lộ 32.

Hà Nội đề xuất xây dựng thành phố du lịch Ba Vì - Sơn Tây - Ảnh 1.

Định hướng phát triển du lịch huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây thành “Thành phố” du lịch. Ảnh: Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Tuy nhiên, tính chất liên kết và kết nối vùng tại 4 huyện, thị xã còn yếu, tập trung chủ yếu vào Quốc lộ 32. Các dự án có tính động lực, điểm nhấn thúc đẩy phát triển chung đã hoạch định nhiều nhưng chưa triển khai, chưa hình thành.

Đáng chú ý, các dự án chậm triển khai, các dự án treo theo mô hình khu dân cư làm ảnh hưởng tới mặt bằng phát triển, nguồn lực đầu tư phát triển và chính sách phát triển chưa đột phá.

Từ phân tích lợi thế, tiềm năng và những tồn tại, hạn chế, đơn vị tư vấn đã nêu định hướng quy hoạch, phát triển các địa phương này trên quan điểm kế thừa Quy hoạch chung 1259, bên cạnh đó cũng đưa ra quan điểm quy hoạch với nhiều nét mới, đột phá.

Trong đó, đề xuất Ba Vì - Sơn Tây là vùng du lịch của Thủ đô (Sơn Tây là cửa ngõ - Ba Vì là trung tâm) là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ. Gia tăng liên kết vùng - đề xuất đường sắt đô thị kết nối tới đô thị vệ tinh Sơn Tây, và kết nối tới trung tâm du lịch huyện Ba Vì - đô thị Tản Viên Sơn. Khai thác hành lang kinh tế, đô thị, du lịch, nông nghiệp dọc tuyến sông Đà - sông Hồng.

Hình thành những trung tâm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, cụm đổi mới hỗ trợ các vùng nông nghiệp nông thôn, tập trung chủ yếu tại Ba Vì, Phúc Thọ… Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ phát triển mô hình đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị nông nghiệp. Riêng Đan Phượng phát triển mô hình đô thị nén, TOD phía Đông Vành đai 4.

Đóng góp ý kiến về định hướng phát triển trên, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho rằng, tại thị xã có một “điểm nghẽn” hết sức quan trọng là vấn đề môi trường ở bãi rác Xuân Sơn và 3 sân golf của hồ Đồng Mô.

Hơn nữa, trong quy hoạch lần này, Sơn Tây mong muốn làm sống dậy dòng sông Tích, sông Hang chảy qua khu vực và cả hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh nhằm phát huy giá trị cảnh quan.

Với việc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trong định hướng quy hoạch, Sơn Tây mong muốn thành phố Hà Nội quan tâm, tích hợp các dự án lớn về du lịch trên địa bàn như các dự án tại hồ Xuân Khanh, xung quanh hồ Đồng Mô và bổ sung các không gian du lịch ở hai bên bờ sông Tích; mở rộng tuyến phố đi bộ, bổ sung thêm các tuyến đường 414B, 417, thành cổ Sơn Tây, đền Và, đền Ngô Quyền…

Sau khi lắng nghe báo cáo định hướng phát triển, trao đổi, góp ý của các chuyên gia, lãnh đạo 4 huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp; đồng thời có nghiên cứu bài học quốc tế để từ đó xây dựng phương án tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô một cách hiệu quả, chất lượng.

Trong đó quan trọng nhất cần đánh giá đúng thực tiễn, “điểm nghẽn” về cơ chế, thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục hành chính. Đặc biệt, lưu ý các sở ngành cần thay đổi tư duy, nhận thức, cách làm, phải cập nhật đầy đủ hiện trạng phát triển ngành tại các địa phương. Có như vậy mới đưa ra định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn, sáng tạo, đột phá.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn