Đến 2030, xuất khẩu sản phẩm trồng trọt đạt hơn 26 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
12:46 PM 02/01/2024

Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu chung của Chiến lược là phát triển trồng trọt thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vững chắc an ninh lương thực quốc gia và các nhu cầu khác của nền kinh tế, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Đến 2030, xuất khẩu sản phẩm trồng trọt đạt hơn 26 tỷ USD- Ảnh 1.

Chính phủ yêu cầu sản xuất trồng trọt theo hướng xanh, giữ ổn định diện tích 3,56 triệu ha đất trồng lúa. Ảnh: Internet

Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng, chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho nông dân góp phần ổn định xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Chiến lược đặc mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2,2 - 2,5%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến sản phẩm trồng trọt bình quân 8-10%/năm. Tỷ lệ diện tích sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) khoảng 10 - 15%, trồng trọt hữu cơ 1%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30 - 35%.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 150 - 160 triệu đồng.

Phấn đấu đến năm 2050, trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.

Chiến lược xác định phát triển sản xuất lúa ở vùng quy hoạch tập trung được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hậu cần logistics.

Cùng với đó, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn; đẩy mạnh tái canh, ghép cải tạo đến năm 2025 đạt 107.000ha cà phê bằng giống mới năng suất, chất lượng cao; phát triển cà phê đặc sản đến năm 2030 diện tích 11.500ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn...

Chiến lược cũng nêu tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ; ưu tiên phát triển một số cây ăn quả có lợi thế, có thị trường tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa,…

Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2023 đạt 53 tỷ USD, hoàn thành 96% chỉ tiêu do Thủ tướng giao. Xuất siêu ngành nông nghiệp đạt mức kỷ lục 12 tỷ USD, tăng 44% so với ngoái, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

Ngành nông nghiệp cũng có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: rau quả đạt 5,7 tỷ USD, tăng 69%; gạo đạt 4,8 tỷ USD, tăng 38%, cà phê đạt 4,2 tỷ USD, tăng 3%...

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.