Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với SME đạt 2,18 triệu tỷ đồng
Chiều 15/3, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Hội nghị các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhận định, các doanh nghiệp tư nhân nói chung và SME nói riêng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xác định SME là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn cho vay.
Theo số liệu từ NHNN, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với SME tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với SME đạt 2,18 triệu tỷ đồng tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế, phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và Xây dựng (40,85%). Trong đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm 48,05% dư nợ cho vay SME, khối ngân hàng cổ phần cho vay chiếm 47,43%.
Đại diện Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho rằng, doanh nghiệp SME là một bộ phận trong thành phần kinh tế tư nhân, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Khối SME chiếm khoảng 97% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam, đóng góp khoảng 50% GDP, 30% thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho trên 5 triệu lao động, chiếm 45% tổng số việc làm trong khối doanh nghiệp.
Khối SME được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên phát triển. Thời gian qua, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho SME tiếp cận vốn.
Về điều hành lãi suất: NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết kiệm giảm chi phí cho doanh nghiệp , người dân.
Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trong đó có SME) thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Ngày 14/03/2023, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này để hỗ trợ chi phí vay vốn cho khách hàng (hiện còn 5%/năm).
Điều hành chính sách tín dụng phù hợp với diễn biến thực tế, chỉ đạo TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, trong năm 2022, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD để cung ứng vốn cho nền kinh tế. Năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Hiện nay, hầu hết các TCTD đã tham gia cho vay đối với khu vực SME, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với SME tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế.
Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với SME tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế . Dư nợ tín dụng DNNVV phần lớn tập trung vào khu vực Thương mại và dịch vụ (56,29%), Công nghiệp và Xây dựng (40,85%). Các NHTMNN đang cho vay DNNVV chiếm 48,05%, Khối NHTM CP cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, NH Liên doanh, Công ty TC và NHHTX tham gia cho vay 4,52%.
Nhật HàVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.