Đền Đồng Bằng: Nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của người Việt
Là một công trình kiến trúc độc đáo thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, Đền Đồng Bằng còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa của người Việt, là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của tỉnh Thái Bình.
Đền Đồng Bằng (thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) được nhân dân trong cả nước biết đến là một ngôi đền linh thiêng, có từ thời vua Hùng Vương thứ 18. Đền có sắc phong "Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần".
Tục truyền rằng, vào đời vua Hùng Vương thứ 18, nước ta bị giặc ngoại bang xâm lấn, triều đình phải lập đàn để triệu Linh sơn Tú khí về giúp nước dẹp giặc. Khi ấy thủy thần làng Đào Động đã hiện thân phò vua dẹp giặc và có công đầu trong việc trấn giữ tám cửa bể phía Tây. Ngài được sắc phong là "Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng - Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần". Kể từ đó nơi đây là chốn địa linh được nhân dân bốn phương ngưỡng vọng và lập đền thờ.
Vào thế kỉ XIII, làng Đào Động còn là một trong những phòng tuyến quân sự quan trọng của nhà Trần, đây là nơi đóng quân và luyện tập thủy chiến của quân binh. Trước khi ra trận, Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng sĩ đều đến dâng hương cầu nguyện tại ngôi đền. Sau khi mất đi, ông được nhân dân phối thờ tại đây. Kể từ đó, Đền Đồng Bằng còn là nơi tưởng niệm Hưng Đạo Vương và các tướng sĩ nhà Trần trong ba lần đại phá quân Nguyên Mông và lập nên tám trang Đào Động xưa.
Hàng nghìn du khách về tham dự lễ hội Đền Đồng Bằng - Ảnh: Kim Dung
Không chỉ mang những giá trị lịch sử đáng trân trọng, Đền Đồng Bằng còn là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc từ đồ đồng, đồ đá và đồ gỗ, với diện tích nội tự là 6.000m2, gồm 13 tòa, 66 gian liên hợp chặt chẽ với nhau tạo thành quần thể ngôi đền với kết cấu "tiền Nhị - hậu Đinh" khép kín, bề thế.
Toàn cảnh khu vực Đền Đồng Bằng. Ảnh: Thành Trung
Các mảng kiến trúc hài hòa với những nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm hoành phi, câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thiếp vàng về các chủ đề tứ linh, tứ quý, các bộ lư hương, án thờ, long ngai và các công trình điêu khắc gỗ tinh xảo, tuyệt mỹ từ thời Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.
Trong đền vẫn còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí từ thời Lý đến thời Nguyễn. Các bài vị và những công trình kiến trúc đồ gỗ độc đáo được bảo quản, giữ gìn khá nguyên vẹn.
Bởi những huyền tích, giá trị lịch sử, nghệ thuật mà Đền Đồng Bằng được biết đến là ngôi đền linh ứng. Đặc biệt, năm 1986, Đền Đồng Bằng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, trở thành một điểm nhấn trong du lịch tỉnh Thái Bình.
Khu di tích tọa lạc trên khuôn viên rộng 11.000m2, hòa quyện vào cảnh vật thiên nhiên hữu tình, trải dài trên địa phận hai xã An Lễ, Đông Hải. Toàn bộ khu di tích danh thắng là một quần thể rộng lớn, bao gồm hệ thống các đền, miếu, am, tháp, gọi chung là 6 phủ: 1 đền chính thờ Đức Vua và 5 đền khác là đền Sinh, quan Đệ Nhị, quan Đệ Tam, quan Điều, quan Đệ Bát. Cách đó không xa là đền thờ đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo Đại Vương).
Toàn cảnh lễ hội Đền Đồng Bằng
Đền Đồng Bằng còn thu hút khách du lịch gần xa và đông đảo nhân dân bởi lễ hội đầy hấp dẫn, thú vị được tổ chức hàng năm. Theo tục lệ, lễ hội Đền Đồng Bằng thường kéo dài khoảng 1 tuần từ ngày 20/8 đến ngày 26/8 âm lịch.
Lễ hội bao gồm phần lễ là các nghi lễ tế thần, lễ rước, dâng hương, diễn lại tích xưa vua cha đi đánh giặc, được cử hành long trọng, uy nghi và tôn kính; phần hội cũng diễn ra khá sôi động với những trò chơi mang đậm tính dân gian như hát văn hầu bóng, kéo co, chọi gà, cờ tướng, đấu vật..., trong đó đáng chú ý nhất là đua thuyền.
Hiện nay, huyện Quỳnh Phụ vẫn từng bước xây dựng khu di tích đền Đồng Bằng xứng tầm với giá trị lịch sử văn hóa, tri ân các bậc tiền nhân, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau; đồng thời, kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh và các tỉnh lân cận, tạo thành một tour du lịch văn hóa tâm linh có sức thu hút khách thập phương.
Thành Trung - Kim DungSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.