Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình

Địa phương
08:07 PM 11/04/2024

Từ xưa, làng Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư) là 1 trong những làng quê có nhiều đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Bình. Trong đó, 2 đặc sản OCOP nổi tiếng nơi đây là gạo nếp bể và lạc nhân đỏ được người tiêu dùng cả nước biết đến.

Làng Keo là tên gọi xưa, hiện nay gồm một số thôn, làng thuộc xã Duy Nhất. Làng Keo phát triển gắn liền với Di tích lịch sử cấp Quốc gia - chùa Keo được xây dựng vào năm 1632. Từ khi thành lập, người dân nơi đây đã coi nông nghiệp là trọng điểm để phát triển kinh tế. Cũng từ đó, Gạo nếp bể, Lạc nhân đỏ là những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Bình, được sản xuất từ vùng đất có nền nông nghiệp lâu đời, kết hợp cùng khoa học kỹ thuật hiện đại tạo nên những sản phẩm thượng hạng.

Gạo nếp bể làng Keo

Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP gạo nếp bể làng Keo

Làng Keo có đặc thù đồng đất chua trũng, thích hợp cho người dân cấy lúa nếp bể (lúa nếp cái hoa vàng). Thời gian sinh trưởng và phát triển của loại lúa nếp bể rất khác biệt so với những loại lúa thông thường, cần đến 6 tháng để loại lúa nếp bể được trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 2.

Mạ của giống lúa nếp bể được gieo, nhổ thủ công (Ảnh tư liệu)

Với hương vị thơm ngon hấp dẫn, hạt gạo nếp bể tròn mẩy, to đều, có màu trắng đục tự nhiên. Khi dùng gạo nếp bể làm xôi, hạt xôi mềm dẻo, thơm ngon, vị đậm đà khiến ai từng một lần nếm thử cũng đều nhớ thương hương vị của gạo. Loại gạo nếp quý giá đó còn là nguyên liệu đặc trưng, không thể thiếu để tạo nên loại "rượu nếp làng Keo" cổ truyền nổi tiếng nồng nàn, ngây ngất, say đắm người thưởng thức.

Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 3.
Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 4.

Khu ruộng nằm trong quy hoạch giống lúa nếp bể làng Keo (Ảnh tư liệu)

Giống lúa nếp cổ truyền được chăm sóc kỹ lưỡng với chất lượng hạt gạo cao, mang trong mình những dưỡng chất từ thiên nhiên, đem lại lợi ích tốt cho sức khỏe cả gia đình. Gạo nếp bể làng Keo cung cấp cho các hộ sản xuất rượu nếp cổ truyền tại địa phương và các cửa hàng gạo sạch, siêu thị trong tỉnh,…nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng.

Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 5.

Lúa nếp bể trước khi được thu hoạch (Ảnh tư liệu)

Gạo nếp bể là một đặc sản nổi tiếng của làng Keo Thái Bình với hương vị thơm ngon hấp dẫn mà không phải gạo vùng nào cũng có được. Ai đến với mảnh đất Thái Bình đừng quên chọn mua Gạo làng Keo về làm quà cho bạn bè, người thân. Sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao từ năm 2021.

Lạc nhân đỏ làng Keo

Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 6.

Sản phẩm OCOP Lạc nhân đỏ của làng Keo (Ảnh tư liệu)

Lạc là một nông sản rất phổ biến với người Việt, đây không chỉ là một thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày mà còn là nguyên liệu chế biến rất nhiều loại bánh kẹo khác nhau. Cũng bởi sự thân thuộc ấy, đồng thời tận dụng dải đất bãi phù sa ven sông Hồng màu mỡ, phì nhiêu, làng Keo đã hình thành một vùng trồng giống lạc đỏ cổ truyền, tạo ra sản phẩm Lạc đỏ thơm ngon, đặc biệt.

Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 7.
Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 8.

Vùng trồng cây lạc đỏ ở làng Keo (Ảnh tư liệu)

Cứ cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng, thay vì cấy lúa xuân, trên vùng đất bãi, người dân tiến hành làm đất, gieo trồng lạc. Giống lạc ở đây là giống lạc đỏ truyền thống, đất cát ven sông Hồng nhiều dinh dưỡng nên cây lạc hầu như không cần bón thêm phân, việc chăm sóc cây lạc nhàn hơn cây lúa, chủ yếu: xới xáo, vun gốc, nhặt cỏ. Thời gian sinh trưởng trong 4 tháng là được thu hoạch.

Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 9.

Người dân ở làng Keo đang chăm sóc cho ruộng lạc (Ảnh tư liệu)

Lạc đỏ làng Keo có thời gian sinh trưởng trung bình, hạt màu đỏ sẫm, tỷ lệ hạt cao, chắc mẩy, màu sắc vỏ lạc sáng đẹp, chất lượng hạt thơm ngon, hương vị béo ngậy đặc trưng. Từ lợi thế về vùng đất màu mỡ được bồi đắp bởi sông Hồng, kết hợp với khí hậu nhiệt đới nhưng khá ôn hòa và mát mẻ bởi hệ thống sông đã tạo ra Lạc đỏ làng Keo ăn bùi và đậm vị hơn các vùng miền khác.

Ông Nguyễn Hữu Cảnh - Giám đốc HTX kinh doanh nông sản làng Keo, cho biết: "Gạo nếp bể, Lạc nhân đỏ là những đặc sản truyền thống từ lâu đời của làng Keo quê tôi. Gạo nếp bể, chất lượng gạo dẻo, thơm, khác hẳn gạo nếp thông thường, tuy nhiên trước kia rất ít người biết đến loại gạo này, chỉ con em quê hương mới biết và mua làm quà biếu.

HTX chúng tôi luôn chú trọng quy hoạch vùng sản xuất lúa an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện ở xã có diện tích khoảng 200 ha vùng trồng lúa. Đồng thời, đầu tư máy sấy, máy xay xát để nâng cao chất lượng chế biến, bảo quản sản phẩm; thiết kế mẫu bao bì và đóng gói cẩn thận, đầy đủ thông tin nhờ đó sản phẩm mang tính chuyên nghiệp, đẹp hơn so với làm truyền thống trước đây.

Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 10.

Gạo nếp bể của làng Keo được trưng bày tại lễ hội chùa Keo (Ảnh tư liệu)

Còn với Lạc nhân đỏ, hiện nay trên địa bàn xã có 80 ha lạc đỏ. Năng suất lạc nhân đỏ vụ xuân bình quân đạt 1 tạ củ/sào, đem lại thu nhập đáng kể cho bà con so với trồng lúa. Sau khi thu mua lạc đỏ của người dân, chúng tôi giao cho các hộ thành viên bóc tách vỏ, phân loại, bảo quản, kiểm soát sản phẩm khắt khe hơn để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.

Cùng với đó, thiết kế mẫu mã bao bì hấp dẫn và đóng gói thuận tiện cho việc vận chuyển, cung cấp đầy đủ thông tin, nguồn gốc, hạn sử dụng để sản phẩm mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Chúng tôi rất tự hào khi xã Duy Nhất có 2 nông sản là lạc nhân đỏ và gạo nếp bể làng Keo đạt tiêu chuẩn OCOP. Ngoài góp phần quảng bá, tôn vinh, gìn giữ những sản phẩm nông sản đặc thù truyền thống của địa phương thì OCOP là bước đệm để chúng tôi từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân".

Đến làng Keo, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương Thái Bình- Ảnh 11.

Đặc sản nổi tiếng của làng Keo (Ảnh tư liệu)

Cùng với việc phát triển nông nghiệp bền vững gắn liền với những thương hiệu nổi tiếng, các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Bình đã và đang được người tiêu dùng đón nhận và ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.

Thành Trung - Kim Dung
Ý kiến của bạn
Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách

Trong ngày hôm nay (1/5), ngày cuối của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, theo thống kê của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hai sân bay lớn nhất cả nước dự kiến đón khoảng hơn 200.000 lượt hành khách thông qua cảng.