Đền mẫu TP Thái Bình tổ chức Lễ hội Rước Mẫu du xuân 2023

Địa phương
01:36 PM 10/05/2023

Sáng 9/5/2023, tại Thái Bình đã diễn ra lễ khai mạc Lễ hội Đền Mẫu năm 2023. Điểm đáng chú ý trong lễ hội là nghi thức Lễ Rước kiệu Mẫu Vân Du kèm lễ Cấp Thủy vô cùng trang trọng.

Lễ hội Rước Mẫu du xuân là lễ hội được tổ chức theo phong tục cổ truyền của Đền Mẫu, thực hiện từ tháng 2 năm 1997 cho đến nay. Lễ hội Đền Mẫu được tổ chức thường niên vào ngày 19/3 (Âm lịch) hàng năm. 

Thái Bình: Đền mẫu Thành phố Thái Bình tổ chức lễ hội Rước Mẫu du xuân 2023 - Ảnh 1.

Lễ khai mạc Lễ hội Đền Mẫu năm 2023 tại Thái Bình

Điểm đáng chú ý trong lễ hội là nghi thức Lễ Rước kiệu Mẫu Vân Du kèm lễ Cấp Thủy vô cùng trang trọng. Đây là một phong tục từ xa xưa với sự tôn kính với Thần Phật, Thánh Mẫu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ Rước Mẫu, Cấp Thủy được coi là một nét đặc trưng trong Lễ hội Đền Mẫu hàng năm.

Lễ Rước kiệu Mẫu Vân Du được bắt xuất phát từ Đền Mẫu đi qua các trục đường chính của thành phố Thái Bình như đường Trần Hưng Đạo, đường Lê Quý Đôn, đường Trần Thái Tông, đường Lý Bôn, đường Hai Bà Trưng, đường Lý Thường Kiệt để đến bến sông Trà Lý thực hiện nghi lễ Cấp Thủy. 

Trong buổi lễ, với sự góp mặt của các lãnh đạo nhiều ban ngành trong tỉnh, đoàn múa lân, đoàn rước kiệu và hàng ngàn người dân địa phương tham gia, được tổ chức với quy lớn và vô cùng long trọng. Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh của những người dân trên địa bàn thành phố Thái Bình được truyền qua nhiều thế hệ và vẫn giữ nguyên được bản sắc, giá trị văn hóa cho đến ngày nay.

Biểu diễn trên đường phố trong sự kiện của lễ hội

Sự kiện được tổ chức trên quy mô hoành tráng, thu hút hàng nghìn người dân từ nhiều địa phương đổ về xem tạo ra một không khí lễ hội nhộn nhịp và náo động trên địa bàn TP Thái Bình.

Lễ hội Rước Mẫu du xuân 2023 diễn ra thành công tốt đẹp với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống và giá trị ý nghĩa. Đây là cơ hội để các du khách hiểu rõ hơn về văn hóa và con người địa phương, đồng thời tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Các hoạt động trong Lễ hội Rước Mẫu du xuân

Trong quá trình diễn ra lễ hội, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã điều động nhiều cán bộ công an giao thông, an ninh trật tự, PCCC... có mặt để phân luồng giao thông và kiểm soát công tác an ninh trật tự và đảm bảo an toàn cho du khách cũng như người dân địa phương khi tham gia lễ hội.

Lực lượng CSGT Công an TP Thái Bình tham gia phân luồng đảm bảo an toàn giao thông trong lễ hội

Đền Mẫu phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình là ngôi đền được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử, đến năm 1977 ngôi đền được hạ giải để phục vụ cho công cuộc kiến thiết thị xã Thái Bình. Khu vực đất cũ của đền được sử dụng vào các công trình xã hội như trường học và các công trình xã hội. Vì thế các công trình cổ kính xưa đã được tháo dỡ chỉ còn giữ lại được bức Tắc môn hoành mã chính là cổng đi vào phía bên tả của ngôi đền.

Đến đầu thế kỷ 21, người dân địa phương thành tâm công đức dựng một cung thờ nhỏ bằng đá để hương khói thờ Mẫu trên khuôn viên đền thờ cũ. Đến năm 2018, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Ủy ban nhân dân phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình đã đề nghị lên Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xin được bố trí quỹ đất khôi phục lại đền thờ. Năm 2019, đền Mẫu được xây dựng lại với quy mô bề thế bao gồm các công trình đền thờ, cổng đền, lầu vọng cảnh.... Phía trước cửa ngôi đền vẫn giữ được bức Tắc môn hoành mã với hai cổng "Tả môn", "Hữu môn" cổ xưa và các câu đối.

Lễ Cấp Thủy trong khuôn viên chương trình Lễ hội Rước Mẫu du xuân

Sau khi khôi phục lại đền, do nhân duyên tương ngộ nên đạo sắc của Vua Duy Tân ban cho Thánh Mẫu Liệu Hạnh vào năm 1911 được tìm thấy và phục hồi đem về bản đền. Đến ngày 9/6/2020, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 1642/QĐ-UBND xếp hạng đền thờ Mẫu phường Lê Hồng Phong thành phố Thái Bình là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Khuôn viên đền Mẫu và lễ dâng hương bên trong đền

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã được tôn tạo trong văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam từ lâu đời. Truyền thống đó đã được tồn tại theo lịch sử để trở thành một nét văn hóa truyền thống nói lên ý thức tôn kính danh nhân dân tộc. Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh và sự thờ phụng là những nét văn hóa đặc trưng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong con người dân Việt Nam.

Thành Trung - Kim Dung - Hải Long
Ý kiến của bạn