Đến năm 2023, thanh toán điện tử tại Việt Nam có thể đạt 16 tỷ USD

Tài chính - Đầu tư
08:22 PM 21/10/2020

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định tới năm 2023, thanh toán điện tử tại Việt Nam có thể tăng lên 6 lần, đạt 16 tỷ USD và chiếm 8% tổng số giao dịch thanh toán.

Đến năm 2023, thanh toán điện tử tại Việt Nam có thể đạt 16 tỷ USD

Theo số liệu từ Credit Suisse cho biết, do hạ tầng thanh toán lạc hậu và một số nguyên nhân khác, tới đầu năm 2019 tại Việt Nam tỷ lệ thanh toán sử dụng tiền mặt trong các giao dịch tiêu dùng lên tới 84%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong khu vực.

VECOM nhận định, Việt Nam có tốc độ phát triển thương mại điện tử khá nhanh. Do đó tới năm 2023 thanh toán điện tử có thể tăng lên 6 lần, đạt 16 tỷ USD và chiếm 8% tổng số giao dịch thanh toán đồng thời tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng từ 16% năm 2019 lên 23%.

Theo thống kê của VECOM, cho tới đầu năm 2020, đã có gần 30 nền tảng trung gian thanh toán trực tuyến hoạt động ở Việt Nam, trong số đó nổi lên 3 nền tảng hàng đầu là MoMo, Moca và VNPAY. 

Cả 3 nền tảng này đều nhận được sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài, tuy nhiên cả 3 nền tảng đều chưa công bố con số chính thức về nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đến năm 2023, thanh toán điện tử tại Việt Nam có thể đạt 16 tỷ USD - Ảnh 1.

Đến năm 2023, thanh toán điện tử tại Việt Nam có thể đạt 16 tỷ USD. Ảnh: Internet

Cụ thể, MoMo nhận được vốn từ các quỹ đầu tư lớn như Warburg Pincus, Goldman Sachs, Standard Chartered, ước tính trên 100 triệu USD. Trong khi đó, kể từ khi tích hợp với Grab để thanh toán cho các dịch vụ thuộc hệ sinh thái của nền tảng gọi xe hàng đầu này với tên gọi Grabpay by Moca, ví điện tử Moca đã phát triển rất nhanh để trở thành một trong các ví điện tử có số dư hàng đầu.

VECOM cho hay, việc huy động vốn đầu tư nước ngoài này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đang giao cho Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo Nghị định Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. 

Theo dự thảo công bố gần nhất, tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Với nguồn tài chính dồi dào, 3 nền tảng trung gian thanh toán trực tuyến này đã tung ra các chương trình khuyến mại sâu rộng và chiếm thị phần ngày càng lớn, tạo nên cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam.

Cũng theo VECOM, các nền tảng số có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển thương mại điện tử nói riêng và kinh tế số nói chung. Tương tự như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam chưa đủ tầm để phát triển các nền tảng công nghệ (hay nền tảng sáng tạo) thống trị toàn cầu như Google Play, Apple Store, Microsoft.

Do đó, VECOM cho hay trong giai đoạn 2020 – 2025, Việt Nam cần có chính sách cởi mở để thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào các nền tảng, bao gồm cả nền tảng giao dịch và nền tảng công nghệ. Các hiệp định thương mại tự do thông thoáng như CPTPP, EVFTA cùng với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư trong WTO bước đầu tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các nền tảng số.

Trong từng lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là thanh toán, VECOM nhận định trong hoạch định chính sách và ban hành văn bản pháp luật vẫn còn những e ngại về an ninh, an toàn. Vì vậy, yếu tố hàng đầu ảnh hưởng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các nền tảng số là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng theo VECOM, để nền tảng thành công phải có các điều kiện đủ, bao gồm năng lực tham gia nền tảng của các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ và vô số người tiêu dùng chúng. Tất cả tạo nên mối liên kết và cùng nhau tạo ra giá trị.

My Lê
Ý kiến của bạn