Đến năm 2025, Hậu Giang có 28.000ha lúa chất lượng cao

Địa phương
03:09 PM 13/12/2023

Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, được tổ chức từ ngày 11-15/12 tại TP Vị Thanh, sáng 13/12, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo quốc tế “Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới”.

Tham dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên; cùng sự tham gia của các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương, hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức quốc tế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Vai trò của ngành lúa gạo trong nền nông nghiệp Việt Nam

Thời gian qua, thị trường lúa gạo có nhiều biến động và khó đoán định do một số nước dừng xuất khẩu, các vấn đề địa chính trị, xung đột toàn cầu, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Để đánh giá tình hình thị trường lúa gạo từ nhiều góc nhìn khác nhau, Hội thảo có sự tham gia chia sẻ đánh giá, phân tích của các chuyên gia, diễn giả hàng đầu thế giới. Thông qua Hội thảo, nhằm giúp các nhà quản lý, người dân và các doanh nghiệp có định hướng giải pháp phù hợp trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới", ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ngành hàng lúa gạo đóng một vai quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá, đối với Việt Nam, lúa gạo ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, còn có vai trò đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực và thế giới. Thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế đã và đang mang lại nguồn thu giúp cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, góp phần vào an sinh, ổn định xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu chia sẻ tại Hội thảo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Trần Thanh Nam nhận định, thị trường lúa gạo trong nước và quốc tế thời gian tới tiếp tục sôi động do nhu cầu nhập khẩu gạo lớn từ một số quốc gia như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, các nước Trung đông và Châu Phi. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng gạo xuất khẩu sẽ có tác động đến lượng gạo dự trữ tại các nước xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tăng dẫn đến giá lúa nguyên liệu tăng theo và phần nào ảnh hưởng đến giá cả của gạo tại thị trường trong nước.

Năm 2023, xuất khẩu gạo tăng mạnh trong bối cảnh thị trường lúa gạo nhiều biến động. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hạn chế xuất khẩu đã góp phần đẩy mạnh nguồn cung gạo từ Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam ước đạt 7,75 triệu tấn về sản lượng và 4,41 tỷ USD về giá trị, tăng tương ứng 16,2% và 36,3% so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng ước đạt 568 USD/tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tỷ trọng giống lúa chất lượng cao của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên 74% năm 2020. Khối lượng gạo xuất khẩu được giữ ở mức 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm, với giá trị xuất khẩu liên tục trên 3 tỷ USD mỗi năm.

Đến năm 2025, Hậu Giang đăng ký tham gia 28.000ha lúa chất lượng cao.

Đến năm 2025, Hậu Giang đăng ký tham gia 28.000ha lúa chất lượng cao.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai nhiều đề án liên quan tới sản xuất lúa gạo như "Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025" và "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL". 

Ông Trần Thanh Nam tin tưởng, những thông tin từ hội thảo "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới" sẽ cung cấp góc nhìn toàn diện hơn từ các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế. Qua đó, sẽ giúp hình thành các vùng chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị và phát triển bền vững ngành lúa gạo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, diện tích gieo cấy năm 2023 ước khoảng 7,1 triệu ha, năng suất ước đạt 60,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng 420.000n tấn so với năm 2022. Ông Hòa cho rằng, một trong những điểm nổi bật là tỷ trọng các giống thơm, đặc sản hiện chiếm phần lớn như: giống Đài Thơm 8/OM18 hiện chiếm 41%, giống OM5451 chiếm khoảng 19%, giống ST (21/24/25) chiếm khoảng 9%. Điều này được giữ xuyên suốt qua các vụ gieo trồng, từ vụ đông xuân, hè thu.

Ông Lê Thanh Hòa chia sẻ thêm, thị trường lúa gạo số một của Việt Nam tiếp tục là Philippines, hiện chiếm khoảng 35% thị phần gạo Việt Nam xuất khẩu. Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu sang quốc gia này đạt 2,63 triệu tấn, tương ứng 1,41 tỷ USD. Xếp sau là Indonesia, Trung Quốc và các quốc gia châu Phi. 

Hội thảo góp phần cung cấp góc nhìn toàn diện hơn từ các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế.

Hội thảo góp phần cung cấp góc nhìn toàn diện hơn từ các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế.

Nhận định rõ xu hướng chuyển đổi sản xuất bền vững, phát triển xanh, tiêu dùng xanh của thị trường lúa gạo, ông Lê Thanh Hòa khuyến cáo các doanh nghiệp đi vào vấn đề chất lượng, thay vì quá quan tâm đến năng suất, sản lượng như thời gian trước đây. Bên cạnh khâu giống, đại diện Bộ NN&PTNT đề xuất nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ giúp cơ giới hóa, tự động hóa, giải phóng sức lao động.

Đến năm 2025, Hậu Giang có 28.000ha lúa chất lượng cao

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến cho biết, Hậu Giang khá thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước ngọt dồi dào với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, tổng chiều dài hơn 2.300km cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có tuyến kênh xáng Xà No có bề dày lịch sử hơn 120 năm, nối sông Hậu và biển Tây, đây là tuyến vận tải lúa gạo đầu tiên của miền Nam Việt Nam. 

Ông Trần Văn Huyến đánh giá, Hậu Giang có diện tích đất trồng lúa là 78.890ha, chiếm 56,2% diện tích đất nông nghiệp, hàng năm sản xuất cho ra gần 1,2 triệu tấn lúa, đóng góp trên 54% giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt và là nguồn kinh tế chính của trên 100.000 hộ nông dân.

PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực, thực phẩm toàn cầu như hiện nay càng cho thấy vị thế và vai trò quan trọng của ngành hàng lúa gạo đối với nông dân Hậu Giang nói riêng và nông dân cả nước nói chung và có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh lương thực toàn cầu. Góp phần vào những thành tựu chung của ngành hàng lúa gạo những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã chuyển dịch cơ cấu giống lúa sang các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 18, RVT… phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang đã xây dựng vùng lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với bao tiêu sản phẩm, hàng năm diện tích liên kết tiêu thụ đạt trên 25.000ha. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT triển khai Đề án "Phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". 

Ngành hàng lúa gạo đóng một vai quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ngành hàng lúa gạo đóng vai quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, đến năm 2025 tỉnh Hậu Giang đăng ký tham gia 28.000ha và đến năm 2030 là 46.000ha lúa chất lượng cao.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, việc tổ chức Hội thảo "Thị trường lúa gạo toàn cầu và xu hướng thời gian tới" là hết sức cần thiết. Đây là dịp để trao đổi, đánh giá, phân tích chuyên sâu về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo, công khai, minh bạch nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn chất lượng… để cùng tìm ra giải pháp cho ngành hàng lúa gạo phát triển xanh, sạch hơn, bền vững hơn.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho rằng, xuất phát từ thực tiễn và các tồn tại của ngành hàng lúa gạo, hiệp hội đã ra đời để giữ được vị trí cao và sự bền vững cho toàn ngành hàng. Một trong những hạn chế là thiếu gắn kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, còn đứt đoạn, gây khó khăn lẫn nhau.

Nhiệm vụ của hiệp hội, trước hết là tạo ra sự liên kết của các tác nhân với phương châm "thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa". Đầu tiên là sự liên kết giữa nông dân với nhau, rồi liên kết với thị trường thông qua các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là liên kết với các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế để có sự hoạt động hiệu quả và đảm bảo môi trường, giảm phát thải. Điều này đã được nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến, trong đó nổi lên là sự thiếu gắn kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với thị trường. Điều đó đã thúc đẩy hiệp hội ra đời để tạo ra sự liên kết, để tất cả cùng nhau phát triển và đưa ra một cách tiếp cận mới, hệ sinh thái mới cho ngành hàng lúa gạo.

Ngài Denny Abdi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam chia sẻ thêm tại Hội thảo.

Ngài Denny Abdi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam chia sẻ thêm tại Hội thảo.

Chia sẻ thêm tại Hội thảo, Ngài Denny Abdi - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam cho biết, 2 quốc gia Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm chung và là bạn hàng quan trọng của nhau về mặt hàng lúa gạo. Là quốc gia đông dân, Indonesia nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của an ninh lương thực, trong đó có lúa gạo. Tuy nhiên, khi mà tốc độ tăng trưởng dân số toàn cầu diễn biến tương đối nhanh, diện tích canh tác lúa lại chưa tăng tương xứng. Cụ thể, từ năm 2017 đến 2021, diện tích lúa chỉ tăng khoảng 1,5%.

Theo Đại sứ Indonesia Denny Abdi, khu vực Đông Nam Á có thế mạnh về sản xuất lúa gạo. Trong đó, 5 quốc gia sản xuất lúa hàng đầu, gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Myanmar giữ nguồn cung quan trọng trong thị trường lúa gạo toàn cầu. Để các quốc gia trong khu vực duy trì, nâng cao hơn nữa vị thế, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam đề xuất các quốc gia xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế và hoàn thiện cơ chế thúc đẩy hợp tác công tư.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn