Đến năm 2030 có từ 6-10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp

Xuất nhập khẩu
07:53 AM 31/03/2023

Ngày 30/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của thành phố.

Kế hoạch được triển khai nhằm khai thác tối đa lợi thế xuất nhập khẩu và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển nhanh, bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu ổn định, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của thành phố.

Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư và chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất để tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao; phát triển thương hiệu sản phẩm.

Hà Nội: Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Mục tiêu giai đoạn 2023-2025: Tăng trưởng xuất khẩu đạt 4,4% - 5%/năm; Giai đoạn 2026-2030: Tăng trưởng xuất khẩu đạt 5,1% - 5,5%/năm; đến năm 2030 có từ 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3% - 5% trong tỷ trọng xuất khẩu của thành phố.

Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, thành phố giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thông qua việc tổ chức hội chợ công nghiệp hỗ trợ hằng năm.

Thành phố tái cơ cấu ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo ra sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh hình thành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để tạo mặt bằng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất các mặt hàng có thể mạnh xuất khẩu.

Thành phố triển khai hiệu quả Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024"; tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước; triển khai Chương trình phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố, hỗ trợ các làng nghề phát triển sản xuất kinh doanh... 

UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, quy mô lớn; mở rộng và phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn...

Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, trong đó có xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước; đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của doanh nghiệp Hà Nội; hợp tác, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trong cả nước; hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương tại thị trường Hà Nội và quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu…

Nam Dương
Ý kiến của bạn