Đến năm 2030, hệ thống cảng biển cần được đầu tư khoảng 351.500 tỷ đồng

Tài chính - Đầu tư
03:36 PM 20/01/2025

Đến năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển khoảng 351.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư hạ tầng hàng hải 72.800 tỷ đồng, vốn đầu tư cho bến cảng 278.700 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 140/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Quy hoạch xác định 5 nhóm cảng biển, trong đó nhóm cảng biển số 1 gồm: cảng biển Hải Phòng, cảng biển Quảng Ninh, cảng biển Thái Bình, cảng biển Nam Định, cảng biển Ninh Bình.

Nhóm cảng biển số 2, gồm 6 cảng biển là cảng biển Thanh Hóa, cảng biển Nghệ An, cảng biển Hà Tĩnh, cảng biển Quảng Bình, cảng biển Quảng Trị và cảng biển Thừa Thiên Huế.

Nhóm cảng biển số 3, gồm 8 cảng biển là cảng biển Đà Nẵng (bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa), cảng biển Quảng Nam, cảng biển Quảng Ngãi, cảng biển Bình Định, cảng biển Phú Yên, cảng biển Khánh Hòa (bao gồm cả huyện đảo Trường Sa), cảng biển Ninh Thuận và cảng biển Bình Thuận.

Nhóm cảng biển số 4, gồm 5 cảng biển là cảng biển TP.HCM, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng biển Đồng Nai, cảng biển Bình Dương và cảng biển Long An.

Nhóm cảng biển số 5, gồm 12 cảng biển là cảng biển Cần Thơ, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Bến Tre, cảng biển Đồng Tháp, cảng biển An Giang, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Trà Vinh, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển Bạc Liêu, cảng biển Cà Mau và cảng biển Kiên Giang.

Đến năm 2030, hệ thống cảng biển cần được đầu tư khoảng 351.500 tỷ đồng- Ảnh 1.

Cảng Lạch Huyện - Hải Phòng. Ảnh: Internet

Đáng chú ý, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 72.800 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Tổng diện tích đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 33.800 hecta, bao gồm các khu vực phát triển cảng biển, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các khu công nghiệp, logistics… gắn liền với cảng. Trong đó, diện tích đất phục vụ cảng biển là 17.300 hecta.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 606.000 hecta (chưa bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải là 900.000 hecta).

Về kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, quyết định nêu rõ, sẽ đầu tư xây dựng luồng sông Văn Úc - Nam Đồ Sơn; nâng cấp, mở rộng luồng hàng hải Hải Phòng; nạo vét luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả; nâng cấp luồng hàng hải Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa; cải tạo luồng hàng hải Vũng Áng cho tàu đến 50.000 DWT; nâng cấp luồng hàng hải Chân Mây cho tàu đến 70.000 DWT; mở rộng luồng Cái Mép - Thị Vải.

Về bến cảng biển, quy hoạch xác định khai thác từ bến số 3 đến bến số 8 tại khu cảng biển Lạch Huyện; bến Liên Chiểu, các bến cảng khách du lịch, du thuyền gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; kêu gọi đầu tư bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề; đầu tư bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), Cái Mép hạ (Bà Rịa Vũng Tàu), Cần Giờ (TP HCM) và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng).

Để thực hiện quy hoạch, Chính phủ xác định các giải pháp, trong đó có ban hành chính sách sử dụng nguồn thu từ việc cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng biển được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.

Đồng thời, các cơ quan sửa đổi quy định, nêu cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển theo hướng không thu phí hạ tầng đối với việc gom, rút hàng bằng đường thủy nội địa nhằm đẩy mạnh năng lực vận tải thủy nội địa, giảm áp lực cho vận tải bằng đường bộ...

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Liên tiếp các chuyến tàu cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đầu năm 2025 Liên tiếp các chuyến tàu cập bến Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đầu năm 2025

Khởi đầu năm 2025, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sẽ tiếp đón gần 16.000 khách quốc tế đến tham quan Quảng Ninh trong tháng 1 với 11 chuyến tàu biển đến từ các thương hiệu cao cấp. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy đóng góp quan trọng của du lịch tàu biển trong cơ cấu phát triển ngành du lịch Quảng Ninh.