Đến năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư cảng cạn khoảng 27,4 - 42,38 nghìn tỷ đồng

Tài chính - Đầu tư
09:37 AM 23/08/2023

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến trong giai đoạn này sẽ khoảng từ 27,4 - 42,38 nghìn tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 979/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn trên phạm vi cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển; tổ chức vận tải container một cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển, đảm bảo an toàn hàng hóa.

Vốn đầu tư cho hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng từ 27,4 - 42,38 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Internet

Vốn đầu tư cho hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng từ 27,4 - 42,38 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, góp phần giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường, đặc biệt ở các đô thị lớn và khu vực có cảng biển lớn. Phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.

Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu Teu/năm; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu Teu/năm.

Định hướng đến năm 2050, quy hoạch sẽ phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng từ 27,4 đến 42,38 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Quy hoạch hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nhận định phù hợp với tiêu chí hình thành, điều kiện tự nhiên, hiện trạng và quy hoạch kinh tế – xã hội của từng khu vực. Ví dụ, đối với khu vực phía Bắc: hệ thống cảng cạn được quy hoạch theo xu hướng phân bổ đều tại các địa bàn, hành lang vận tải container do các nguồn phát sinh hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container nằm phân tán ở nhiều địa bàn và đa phần cách xa cảng biển cửa ngõ quốc tế (cảng biển Hải Phòng). Ngoài ra, một số cảng cạn tại các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc được quy hoạch để tạo thuận lợi cho vận tải và thương mại qua biên giới.

Còn đối với khu vực phía Nam, với đặc thù các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung phần lớn ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Dương, BR-VT, TP  HCM) cũng chính là nơi tập trung các cảng biển cửa ngõ quốc tế, có bến cảng container lớn nhất cả nước, khoảng cách từ nguồn hàng đến cảng biển tương đối gần. Do đó, hệ thống cảng cạn khu vực phía Nam được quy hoạch hướng đến vai trò chủ yếu là tận dụng các tuyến vận tải thủy nội địa tại khu vực để chuyển phương thức vận tải hàng hóa đến cảng biển, nhằm giảm, tiến tới hạn chế tối đa vận tải hàng hóa trên đường bộ, giảm ùn tắc.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn