Đến năm 2030, ô tô điện chiếm 30% tổng số ô tô ở Việt Nam
Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu đến năm 2030, ô tô điện sẽ chiếm 30% tổng số ô tô và xe máy điện đạt 22% tổng số xe máy.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ xây dựng các chính sách ưu đãi cho xe điện, nhằm đạt mục tiêu giảm 5,9% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông, tương đương 45,62 triệu tấn CO2 từ năm 2021 đến 2030.
Từ đó, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030, ô tô điện sẽ chiếm 30% tổng số ô tô và xe máy điện đạt 22% tổng số xe máy.
Mục tiêu đến năm 2030, tổng số xe buýt nhiên liệu sạch CNG là 623 xe, trong đó có 423 xe tại TPHCM và 200 xe ở Hà Nội. Khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học , để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT, bằng việc mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vào năm 2030.
Bộ GTVT đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 100% xe máy đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100km; 100% ô tô con sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới bán ra, đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu là ô tô con dung tích động cơ nhỏ hơn 1400cc đạt 4,7 lít/100km, ô tô con dung tích động cơ từ 1400 - 2000cc đạt 5,3 lít/100km, ô tô con dung tích động cơ hơn 2000cc đạt 6,4 lít/100km.
Tỷ lệ áp dụng cho phương tiện mới lần lượt là 30% vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, để đạt được mục tiêu đã đề ra, từ nay đến năm 2030 Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam cần rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) liên quan đến ô tô điện, xe mô tô, xe gắn máy điện. Xây dựng, ban hành QCVN thay thế QCVN 09:2015 về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, trong đó cập nhật các quy định liên quan đến ô tô điện.
Bộ GTVT sẽ xây dựng, ban hành thông tư quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ; dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường. Rà soát niên hạn sử dụng đối với ô tô chở người, ô tô chở hàng sử dụng điện; đề xuất quy định theo hướng thuận lợi hơn cho ô tô điện nếu đảm bảo các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ phát triển mạng lưới trạm sạc điện dọc các tuyến quốc lộ và đường cao tốc, đồng thời nghiên cứu cơ chế trao đổi tín chỉ carbon cho các dự án chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện. Kế hoạch của bộ này hướng đến việc tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng ở các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, đường sắt đô thị và buýt đường thủy cũng sẽ được phát triển nhằm giảm áp lực cho giao thông đường bộ. Các chính sách sẽ được điều chỉnh để ưu tiên phương tiện tiêu thụ ít nhiên liệu, loại trừ các phương tiện có mức tiêu thụ vượt chuẩn cho phép.
Theo kế hoạch đến năm 2030, Bộ GTVT sẽ yêu cầu sử dụng hoàn toàn xăng E5 cho phương tiện giao thông, nhằm giảm khí thải độc hại và khuyến khích sử dụng các giải pháp nhiên liệu thay thế.
Việc triển khai có thể làm tăng chi phí ban đầu do yêu cầu đầu tư vào hạ tầng và chuyển đổi phương tiện. Tuy nhiên, về lâu dài, kế hoạch này không chỉ góp phần cải thiện môi trường sống, giảm ô nhiễm không khí mà còn mang lại lợi ích kinh tế nhờ tiết kiệm nhiên liệu và phát triển hệ thống giao thông công cộng bền vững.
Minh AnNgày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".