Đến năm 2035, tổng sản lượng ô tô phấn đấu đạt hơn 1,5 triệu chiếc

Kinh doanh
10:12 AM 11/04/2024

Theo Dự thảo Đề cương Chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đặt ra đến năm 2035, tổng sản lượng xe ô tô đạt khoảng 1.531.400 chiếc.

Mới đây, Bộ Công Thương đã phát đi Dự thảo Đề cương Chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Dự kiến đến tháng 6 tới sẽ hoàn thiện dự thảo lần 1, sau đó tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện; tháng 9/2024 sẽ báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng phê duyệt.

Đến năm 2035, tổng sản lượng ô tô phấn đấu đạt hơn 1,5 triệu chiếc- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2035, tổng sản lượng xe ô tô đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc.

Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về link kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc. Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra các định hướng cụ thể như xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ; khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tập trung cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế. Đồng thời, hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; đẩy mạnh hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu - triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hoá...

Hiện, vẫn còn nhiều khó khăn tác động đến ngành công nghiệp ô tô trong nước. Do vậy, để ngành sản xuất ô tô Việt Nam phát triển tốt, việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “hết sức cấp thiết và có ý nghĩa cả về thực tiễn và khoa học”, Bộ Công Thương nêu rõ.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.