Đến thác Bản Giốc - nơi biên cương Cao Bằng
Cuối thu, thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) dường như đẹp hơn với những dòng nước bọt tung trắng xóa, trên nền xanh mướt của những dãy núi hùng vĩ và sắc vàng của những ruộng lúa trĩu bông… Đây cũng là thời điểm Lễ hội thác Bản Giốc được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất con người của huyện Trùng Khánh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Thác Bản Giốc là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên địa bàn huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng được UNESCO công nhận. Đây là một trong những thác nước tự nhiên đẹp, hùng vĩ nhất Đông Nam Á; thác tự nhiên lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới quốc gia; top 5 thác nước mang nhiều huyền thoại do tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn.
Nằm trên dòng chảy của sông Quây Sơn, thác Bản Giốc như chốn bồng lai tiên cảnh gồm 2 thác với tổng chiều rộng lên tới 200m. Thác chính ở phía Bắc rộng khoảng 100m, cao 70m, gồm 3 tầng thác chênh nhau 34m. Thác phụ ở phía Nam ít nước hơn thác chính. Nhìn từ xa, từng dòng thác cuồn cuộn đổ xuống tạo nên những đám bọt trắng xóa, tựa như những dải lụa trắng mềm mại vắt ngang lưng đồi.
Thác Bản Giốc vào mùa khô và mùa mưa đều có những nét đẹp riêng thu hút du khách đến đây. Mùa mưa thác nước chảy mạnh, mang theo phù sa, lúc này thác Bản Giốc trông thật hùng vĩ. Mùa khô, thác mang một vẻ thanh bình, yên ả. Ngày đêm, thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng khiến vô vàn hạt bụi nước li ti tung lên, tỏa mờ cả một vùng rộng lớn. Dưới chân thác Bản Giốc là mặt sông rộng, phẳng như gương. Vào những ngày nắng, trên mặt sông, hơi nước tạo một khoảng sương mù soi rọi dưới ánh nắng mặt trời tạo nên những cầu vồng lung linh, huyền ảo.
Đến với Bản Giốc, ngoài ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của thác, du khách có thể đi thăm động Ngườm Ngao ở ngay cạnh thác, dài khoảng 3km, là một hang động tuyệt đẹp, được hình thành cách đây khoảng 300 triệu năm. Động thu hút du khách bởi những hình thù nhũ đá tự nhiên. Du khách cũng có thể đi thăm bản người Tày với những nếp nhà sàn truyền thống để nghe những điệu hát lượn, hát then bên ánh lửa bập bùng hoặc thưởng thức những sản vật phong phú và độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa, ẩm thực của dân tộc thiểu số như: Cá trầm hương có thịt thơm như mùi trầm và hạt dẻ Trùng Khánh thơm ngon nổi tiếng.
Hàng năm Lễ hội thác Bản Giốc được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người Cao Bằng, đặc biệt là quảng bá danh thắng quốc gia thác Bản Giốc, những nét văn hóa đặc sắc của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng và huyện Trùng Khánh đến với bạn bè trong nước, quốc tế. Qua đó, góp phần thu hút thêm nhiều du khách đến với Cao Bằng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thu hút đầu tư, đẩy mạnh hoạt động du lịch, thương mại biên giới.
Tại Lễ hội Thác Bản Giốc có rất nhiều hoạt động đa dạng, phong phú: Lễ hội ánh sáng; Lễ rước nước thiêng từ thác Bản Giốc lên chùa, lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa tại chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc; trưng bày gian hàng giới thiệu sản vật, đặc sản, văn hóa ẩm thực của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trùng Khánh; Hội thi hát dân ca, dân vũ giữa các xã, thị trấn; các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian: tung còn, đẩy gậy, lày cỏ, gánh lúa qua cầu khỉ, bóc hạt dẻ, tẽ ngô, chèo bè mảng và nhiều trò chơi dân gian khác.
Lễ hội thác Bản Giốc được tổ chức hàng năm giúp Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Châu NguyênCòn một tháng nữa mới kết thúc năm nhưng số thu thuế thu nhập cá nhân cuối tháng 11 ước đạt 106,9% dự toán, với 170.000 tỷ đồng.