Dệt may tính kế vượt “cơn bĩ cực”

Cộng tác viên
10:21 PM 26/03/2020

Nhiều đơn hàng đi Mỹ, Châu Âu đột ngột bị huỷ hoặc tạm hoãn trong khi chuyện khó khăn nguyên liệu đầu vào vừa mới được giải quyết khiến cho nhiều doanh nghiệp dệt may buộc phải sản xuất cầm chừng…

Tuần trước, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu đi Mỹ và EU đều nhận được email thông báo từ phía nhà nhập khẩu: “Nếu hàng chưa cắt thì ngưng, nếu cắt rồi để đó không may, nếu may rồi xin giữ tại kho vì không thể nhận hàng lúc này được”. Lý do là dịch COVID-19 lan rộng tại EU và Mỹ, khiến Chính phủ các quốc gia này buộc phải đóng cửa biên giới và hạn chế các hoạt động giao thương…

Các doanh nghiệp dệt may đều khẳng định cố gắng sắp xếp để đảm bảo đời sống cho người lao động.

Gần 30% đơn hàng bị huỷ

Cũng giống như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU khác, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Tổng công ty may Hưng Yên cho biết cảm giác của mình giống như đang ngồi trên đống lửa. Có lẽ cũng hiểu cho tâm trạng của ông Dương lúc này, khi mà cả một guồng máy hơn 10 nghìn công nhân của may Hưng Yên đang hoạt động sản xuất có nguy cơ phải đóng cửa. “Hàng ngày chúng tôi liên tục nhận các “tin xấu” từ phía đối tác tạm dừng nhập, nhiều đơn hàng đã sản xuất rồi nay đành phải cất vào kho” ông Dương buồn bã nói.

Điều ông Dương lo nhất lúc này là việc làm cho công nhân, bởi không có “đầu ra” thì chuyện thất nghiệp là khó tránh khỏi. Theo nhẩm tính của ông, có khoảng gần 30% đơn hàng của may Hưng Yên đã bị phía đối tác huỷ hoặc giãn thời hạn giao hàng. “Thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay là 120 ngày. Quý I doanh thu của Tổng công ty May Hưng Yên đã giảm trên 20%. Chúng tôi đang phải rà soát từng khâu để giảm chi phí”, ông Dương nói.

Một doanh nghiệp khác cũng chuyên xuất khẩu sang thị trường Mỹ là Tổng công ty may Hoà Thọ, Đà Nẵng tuần trước cũng nhận được thông báo huỷ số hàng lên tới 350 nghìn sản phẩm, ngoài ra là hơn 100 nghìn sản phẩm phía đối tác thông báo xin lùi thời gian giao hàng.

Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty này cho biết, không chỉ xin hoãn hoặc huỷ các đơn hàng đã ký, phía đối tác còn đề xuất lùi cả thời gian thanh toán chậm từ 1-2 tháng so thời gian với thông thường.

Đáng nói là trong khi các nhà nhập khẩu thông báo hoãn hoặc huỷ đơn hàng thì số nguyên liệu để phục vụ sản xuất phần lớn đã nằm trong kho để đảm bảo đúng tiến độ và thời gian giao hàng.

Không để người lao động thất nghiệp

Điều đáng nói, với ngành dệt may Việt Nam, thị trường Mỹ và EU là hai thị trường chính và chiếm tỉ trọng rất cao, thị trường Mỹ (chiếm trên 40%), EU (13,7%). Trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm chi phí tối đa, sắp xếp lại nhân sự để đảm bảo duy trì nguồn thu nhập cho người lao động. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS kiến nghị Bộ LĐTBXH cần sớm xem xét lại quy định mức lương tối thiểu năm nay sao cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. “Có thể sử dụng quỹ bảo hiểm doanh nghiệp đã đóng, BHXH đang quản lý dùng một phần để trả lương cho người lao động để giảm khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Cẩm nói.

Còn ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 kiến nghị, Nhà nước ngoài chính sách giảm lãi, giảm thuế, giãn nợ, thì có lẽ nên hỗ trợ tiền lương cho người lao động ở các DN sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giầy giống như việc Chính phủ Mỹ, Đức... sẽ hỗ trợ và phát tiền trợ cấp cho người dân và người lao động bị thất nghiệp.

Dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp dệt may đều khẳng định sẽ cố gắng sắp xếp để đảm bảo việc làm cho người lao động, đảm bảo đời sống. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc VINATEX cho biết, dù khó khăn nhưng các doanh nghiệp thuộc doanh nghiệp này cố gắng không để người lao động không có lương, đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định. “Doanh nghiệp sẽ không tăng giờ làm, trước mắt cho người lao động nghỉ hai ngày/tuần, trong trường hợp khó khăn hơn nữa thì phải giảm số ngày làm việc của người lao động, cả lãnh đạo và công nhân đều chia sẻ giảm thu nhập” ông Trường nói.

Ý kiến của bạn