Dệt may TNG báo lãi 8 tháng đầu năm 142 tỷ đồng, hoàn thành 81% kế hoạch lợi nhuận năm
Địa bàn sản xuất chính ở Thái Nguyên - địa phương ít chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 - đã giúp TNG có điều kiện để sản xuất kinh doanh ổn định.
CTCP Đầu tư và thương mại TNG (mã chứng khoán: TNG) vừa công bố báo cáo tài chính tháng 8 cũng như lũy kế 8 tháng đầu năm 2021.
Cụ thể, tính riêng trong tháng 8, TNG ghi nhận doanh thu hơn 577 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ giảm chi phí giá vốn nhiều hơn đã giúp biên lãi gộp cải thiện từ 14% lên 15%.
Mảng hoạt động tài chính mang lại doanh thu tăng 80% lên hơn 8 tỷ đồng, cùng với xu hướng tăng doanh thu, chi phí tài chính cũng tăng thêm 21%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế tháng 8/2021 của TNG đạt gần 29 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần tăng 16% lên mức 3.544 tỷ đồng, tương ứng với việc hoàn thành 74% kế hoạch. Khấu trừ đi các khoản thuế phí, TNG báo lãi ròng xấp xỉ 142 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ và hoàn thành 81% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. EPS tăng từ 1.626 đồng lên 1.782 đồng.
Tính đến 31/8/2021, TNG có gần 51 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm hơn nửa so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chủ yếu của Công ty nằm ở hàng tồn kho với giá trị giảm 45 tỷ đồng so với đầu năm xuống còn hơn 991 tỷ đồng, đồng thời Công ty cũng có hơn 875 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tới cuối tháng 8 đạt hơn 205 tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng lưu ý là dòng tiền hoạt động kinh doanh vẫn âm 318 tỷ đồng.
Địa bàn sản xuất chính ở Thái Nguyên - địa phương ít chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 - đã giúp TNG có điều kiện để sản xuất kinh doanh ổn định. Phía doanh nghiệp cho biết, trong tháng 8 vẫn tuyển dụng thêm gần 600 lao động bổ sung cho các nhà máy mới thành lập, tăng năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, TNG đã hoàn thành lắp đặt chạy thử dây chuyền bông số 3, đáp ứng nhu cầu sản xuất để hướng tới mục tiêu xuất khẩu tới các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc.
Báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, TNG đã đủ đơn đặt hàng đến hết quý 4 năm nay, điều này đồng nghĩa nhu cầu không còn là vấn đề đáng lo ngại mà thay vào đó là khả năng đáp ứng đơn hàng đúng thời hạn. Các nhà máy dệt may tại phía Nam phần lớn đang phải giảm công suất hoặc đóng cửa, do đó các hãng đã chuyển đơn hàng cho các doanh nghiệp dệt may phía Bắc, trong đó có TNG.
Từ đầu năm 2021, TNG đã tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm và các nhãn hàng chủ động việc thuê tàu, chịu cước phí vận chuyển), qua đó giúp doanh thu đơn hàng FOB tăng và ít bị ảnh hưởng bởi giá cước tăng; đồng thời đẩy mạnh dòng sản phẩm kỹ thuật, cao cấp.
Trên thị trường, cổ phiếu TNG có chuỗi tăng điểm mạnh trong tháng 8, đưa thị giá lên đỉnh lịch sử 32.200 đồng/cổ phiếu, sau đó đã điều chỉnh giảm nhẹ. Hiện, chốt phiên 15/9, giá cổ phiếu TNG đạt 31.300 đồng/cổ phiếu, tăng 48% so với thời điểm đầu tháng 8/2021.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.