ĐHĐCĐ PVTrans (PVT): Giá dầu tăng không tác động đáng kể đến chỉ số kinh doanh, 6 tháng ước đạt 420 tỷ LNTT

Doanh nghiệp - Doanh nhân
01:18 PM 15/06/2021

Về tình hình kinh doanh hiện tại, theo CEO PVTrans (PVT), ông Phạm Việt Anh, thị trường nội địa của PVT cơ bản giữ ổn định, có tăng có giảm nhưng không quá lớn. Cụ thể, về mảng vận chuyển LPG (khí hoá lỏng) thì đâu đó Công ty duy trì khoảng 700.000-800.000 tấn/năm, riêng con số thị trường trong nước chiếm khoảng 300.000-400.000 tấn/năm.

Sáng ngày 15/6/2021, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, PVT) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021, thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 6.000 tỷ, giảm hơn 22% so với năm ngoái. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 500 tỷ đồng, giảm 52% và lợi nhuận sau thuế 404 tỷ đồng, giảm 51% so với năm 2020.

Được biết, kế hoạch thận trọng được đưa ra giữa bối cảnh thị trường nhiều biến động, đặc biệt là Covid-19 và biến động giá dầu. Trong đó, chỉ tiêu này được xây dựng từ tháng 10-11 năm 2020, lúc bấy giờ giá dầu đang ở mức 45-50 USD/thùng.

Chia sẻ về việc giá dầu hiện đang tăng và ở mức cao 72 USD/thùng, ban lãnh đạo PVT cho biết do Công ty hoạt động vận tải do đó ít bị ảnh hưởng chi tiết bởi giá dầu. Hoạt động vận tải chịu tác động của cung cầu, vào cung đội tàu và nguồn hàng vận chuyển, phụ thuộc kho chứa, vấn đề đầu cơ… sẽ tác động thị trường vận tải chung. Giá dầu chỉ là một tham chiếu để đánh giá thị trường.

Về tình hình kinh doanh hiện tại, theo CEO Phạm Việt Anh, thị trường nội địa của PVT cơ bản giữ ổn định, có tăng có giảm nhưng không quá lớn. Cụ thể, về mảng vận chuyển LPG (khí hoá lỏng) thì đâu đó Công ty duy trì khoảng 700.000-800.000 tấn/năm, riêng con số thị trường trong nước chiếm khoảng 300.000-400.000 tấn/năm. Hiện, PVT vận chuyển chủ yếu cho Bình Sơn, PV GAS. Nhìn chung, tổng nhu cầu LPG của Việt Nam khoảng hơn 1,1-1,2 triệu tấn/năm. Mặt khác, mảng vận chuyển xăng dầu cũng ổn định ở con số khoảng 2,5-3 triệu tấn/năm.

Ước tính 6 tháng đầu năm, PVT đạt 3.500 tỷ đồng doanh thu, thực hiện 60% kế hoạch năm và tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước tính đến nay ước đạt 420 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ và thực hiện 84% kế hoạch năm.

Về đầu tư, PVT dự kiến chi tổng cộng 7.621 tỷ đồng trong năm nay. Trong đó nguồn vốn chi đầu tư từ vốn chủ sở hữu là 2.762 tỷ và nguồn vốn vay là 4.859 tỷ đồng. Tổng Công ty cho biết cũng đang rà soát kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2026 theo hướng tái cấu trúc và đang đa dạng hóa nhiều loại hình vận tải khác nhau.

"Trước đây chúng tôi vận tải thô là chủ yếu nhưng hiện nay mảng vận tải xăng dầu lại mang hiệu quả nhất, sắp tới sẽ tăng thêm tỷ trọng mảng vận tải hóa chất. Tỷ trọng các mảng cũng thay đổi rất nhiều.

Trong đó, đầu tư tàu là chiến lược dài hạn và việc thực thi tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quan điểm của chúng tôi là thận trọng trong đầu tư, thực tế hầu hết từ năm 2015 về đây thì tất cả các dự án đầu tư tàu đều có lãi ngay từ năm đầu tiên. Giá mua bán tàu các loại có nhích lên so với đầu năm nhưng cơ bản nằm ở vùng đáy 10 năm gần đây, chúng tôi mua tàu ở vùng đáy cho chiến lược dài hạn", PVT nói thêm.

Hiện, PVT có chủ trường đẩy mạnh vân tải quốc tế khi dư địa trong nước không còn nhiều. Đội tàu quốc tế Công ty đang chiếm 80% và đội tàu trong nước là 20%.

Một nội dung đáng quan tâm khác liên quan đến thoái vốn Nhà nước, PVT chia sẻ đang trình lại Chính phủ. Trong đó, kế hoạch vẫn sẽ thoái vốn ở mức 36% và đang chờ thêm quan điểm vĩ mô của Chính phủ cũng như tập đoàn.

Đại hội lần này cũng đã thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung các thành viên HĐQT để đảm bảo số lượng 5 người. Ứng viên bổ sung gồm ông Nguyễn Duyên Hiếu – hiện là Phó Tổng giám đốc PVT và bà Nguyễn Linh Giang – hiện là Phó Tổng giám đốc PVT.

Ông Phạm Việt Anh sẽ từ nhiệm vị trí CEO để đảm nhận vai trò mới là Chủ tịch HĐQT theo phân công từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Thay thế là ông Nguyễn Duyên Hiếu.

Tri Túc
Ý kiến của bạn