Đi làm muộn, mặc trang phục không phù hợp, nhân viên công sở bị công ty phạt tiền, trừ lương có đúng luật?
Những ngày này thời tiết miền Bắc chìm sâu trong giá lạnh và mưa, nhiều người buổi sáng đi làm muộn và ngậm ngùi nộp phạt theo quy chế của công ty. Không lạ nếu chúng ta nghe nói bạn bè, ai đó bị phạt tiền, trừ lương vì những lỗi như mặc sai trang phục, đi làm muộn,... nhưng điều đó có phù hợp với quy định luật pháp không?
Chị A, nhân viên hành chính một công ty ở Hà Nội cho biết, công ty chị đặt ra quy định, đi làm muộn bị phạt tiền, mức phạt 30.000 đồng/lần. Vì có con nhỏ nên những hôm mưa gió, tắc đường, chị A khó tránh khỏi đi làm muộn. Mỗi lần như vậy, chị A rất bức xúc vì bản thân không phải người thiếu ý thức, công việc thường xuyên phải ở lại làm thêm giờ mà không được tính lương tăng ca, nhưng đi muộn dù chỉ vài phút là bị phạt.
Anh N, cách đây mấy năm đã có lần đã khiến bạn bè "khóc thét" khi đăng tải hình ảnh bảng lương với mức phạt "vi phạm thời giờ làm việc" kỷ lục
Nhìn vào bảng tính lương của anh N, ngoài việc đi làm muộn còn những vi phạm khác được đưa ra để "phạt" người lao động, như "vi phạm không đeo thẻ tên", "vi phạm quy định họp và báo cáo"...
Cư dân mạng gần đây cũng xôn xao với câu chuyện một cô gái nhận được mail thông báo từ bộ phận hành chính của công ty về việc bị trừ lương thưởng tháng 2/2022 với lý do: "Trang phục làm online ở nhà không phù hợp, gây mất tập trung đến nhiều cán bộ, nhân viên khác".
Trường hợp của anh N, mặc dù rất bức xúc nhưng anh cho rằng công ty đã quy định như vậy thì phải chấp nhận. Còn câu chuyện cô gái bị trừ lương vì trang phục không phù hợp, rất nhiều ý kiến trên mạng tỏ ra bất mãn với quy định của công ty và khuyên nên nghỉ việc, tìm chỗ làm mới.
Có một thực trạng là đa số người lao động khi đi làm không biết đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình được bảo vệ một cách hợp pháp trong Luật lao động. Những câu chuyện như của chị A, anh N,... nếu nhìn nhận trên góc độ pháp luật sẽ như thế nào?
Trên thực tế, Bộ Luật Lao động từ lâu đã có quy định cụ thể về vấn đề Xử lý kỷ luật lao động để đảm bảo quyền lợi và công bằng cho người lao động.
Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, quy định về nội quy lao động. Nội quy phải được lập thành văn bản, phải được thông báo đến người lao động và những nội dung chính phải được niêm yết ở những nơi cần thiết tại nơi làm việc.
Trường hợp người lao động vi phạm nội quy lao động, doanh nghiệp có quyền xử lý kỷ luật lao động. Điều 124 quy định cụ thể các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm: Khiển trách; Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; Cách chức; Sa thải.
Như vậy, Doanh nghiệp chỉ có quyền xử lý kỷ luật khi nhân viên vi phạm nội quy bằng 1 trong 4 biện pháp kể trên, mỗi biện pháp chỉ được áp dụng khi thoả mãn đủ tiêu chí theo quy định của Luật để đảm bảo công bằng với người lao động.
Điều 127 Luật lao động cũng quy định rõ hành vi "Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động" bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động.
Điều 127. Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm điều 127, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Cụ thể:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây: Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động; Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Như vậy, việc các doanh nghiệp đơn phương đưa ra các hình phạt bằng tiền đối với những lỗi của nhân viên như vi phạm nghiệp vụ, giờ làm, quy định nội bộ như trang phục,... là trái với quy định của Pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính.
Chưa kể trường hợp cô gái trên mạng bị cắt lương thưởng vì làm việc online ở nhà mặc trang phục không phù hợp, liệu công ty của cô có ban hành nội quy lao động bằng văn bản quy định về trang phục khi làm việc online không?
Quy định này rõ ràng không mới. Trước đây, Bộ luật lao động 10/2012/QH13 có hiệu lực từ 01/05/2013 đến 01/01/2021 cũng cấm doanh nghiệp sử dụng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động (Quy định tại điều 128) nhưng không phải đơn vị và cá nhân nào cũng nắm rõ nên thực trạng người lao động kêu ca bị công ty "phạt tiền, cắt lương" vẫn tồn tại nhiều năm nay.
An VũPhó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD.