Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững ở Việt Nam

Diễn đàn
10:23 AM 04/12/2023

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cho biết, di sản văn hóa phi vật thể hay "di sản sống" có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Việt Nam.

Mới đây, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội đồng Anh phối hợp với Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL) tổ chức Hội thảo với chuyên đề "Di sản Văn hóa sống và Phát triển bền vững".

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Di sản Văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều, một Chương trình của Hội đồng Anh nghiên cứu những cách thức sử dụng văn hóa địa phương để cải thiện cuộc sống của mọi người trên khắp thế giới. Sự kiện cũng đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh - Việt Nam và 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam.

Tại hội thảo, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá cho biết, di sản văn hóa phi vật thể hay "di sản sống" có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống của người Việt Nam. 

"Di sản văn hóa sống có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Di sản văn hóa sống tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục; thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người; giúp cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn", bà Hiền nói.

Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững ở Việt Nam- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo

Năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa. Năm 2005, Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia thành viên sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Điều đó cho thấy sự ghi nhận về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và sự đóng góp của di sản vào phát triển bền vững và đa dạng văn hóa. Những quy định liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nhằm mục đích bảo vệ di sản sống; đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản đã được quy định rõ ràng trong luật, góp phần để cộng đồng và xã hội nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản và cũng ý thức bảo vệ, phát huy giá trị của di sản…

Cho tới nay, sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam. Với vinh dự hai lần trúng cử là thành viên Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 và có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam đã thực hiện bài bản việc bảo vệ và phát huy theo các Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO sau khi được ghi danh.

Vì vậy, để bảo vệ di sản sống, trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản, đó là điều quan trọng để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai… 

"Tôi hi vọng, với sự tham gia của cộng đồng, nghệ nhân thực hành di sản, các chuyên gia, nhà khoa học, Hội thảo sẽ là cơ hội để chúng ta cùng trao đổi, tham luận những vấn đề liên quan đến sự tham gia và vai trò của cộng đồng, về sự đóng góp của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể/di sản sống và phát triển bền vững ở Việt Nam", Cục trưởng Cục di sản văn hóa nhấn mạnh.

Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững ở Việt Nam- Ảnh 2.

Bà Dona McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Theo Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam Dona McGowan, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, như sản phẩm thủ công truyền thống, các nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật và tri thức bản địa ăn sâu vào văn hóa dân tộc. Cùng với việc ngày càng có nhiều giá trị văn hóa được công nhận cả trong nước và quốc tế, lĩnh vực di sản văn hóa đang có chuyển biến tích cực, có lợi cho những người thực hành và thành viên cộng đồng, những người đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.

Đất nước Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, như các sản phẩm thủ công truyền thống, các nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật, và những tri thức bản địa, ăn sâu vào văn hóa dân tộc. Cùng với việc ngày càng có nhiều giá trị văn hóa được công nhận cả trong nước và quốc tế, lĩnh vực di sản văn hóa đang có những chuyển biến tích cực, có lợi cho những người thực hành và thành viên cộng đồng, những người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững.

"Với mục tiêu khám phá sự giao thoa giữa di sản phi vật thể và phát triển bền vững tại Việt Nam, tập trung vào vai trò và sự tham gia của cộng đồng, hội thảo này là một diễn đàn mở ra thảo luận giữa những người làm chính sách, chuyên gia và những người thực hành di sản văn hóa", bà Dona McGowan nói.

Chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương, Trưởng phòng Quản lý văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận Phạm Văn Thành cho biết, trước đây, từng hộ gia đình thường mạnh ai nấy làm, chưa có ý thức và kỹ năng cùng nhau xây dựng, thực hiện du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm gốm cổ truyền. Đến khi chương trình Di sản kết nối được triển khai ở Ninh Thuận (năm 2018), người dân bắt đầu thay đổi. Họ không đơn thuần làm gốm theo kỹ thuật người xưa truyền lại mà còn có thể thuyết minh về di sản gốm Chăm, tìm cách để kể câu chuyện di sản gốm đến với du khách.

Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững ở Việt Nam- Ảnh 3.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hoá UNESCO. Ảnh: Thanhnien

"Cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận sở hữu kho tàng di sản văn hóa đặc sắc, nổi bật. Khi họ có cách nhìn mới về di sản, được củng cố vai trò và chủ động trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản chính là cách gia tăng giá trị của di sản. Đơn cử với nghề gốm, giờ đây, chính đồng bào Chăm đã tự tạo cơ hội để kể chuyện về di sản, đưa ra những cách thức khác nhau để chia sẻ, lan tỏa văn hóa theo cách riêng", ông Phạm Văn Thành chia sẻ.

Xuyên suốt hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi, đưa ra các quan điểm, các ví dụ điển hình và trao đổi đa chiều về Di sản sống và Phát triển bền vững để cùng nhìn nhận ra những chiến lược phù hợp, thách thức và cơ hội trong việc tận dụng di sản phi vật thể để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ Hội thảo Di sản văn hóa sống và Phát triển bền vững, ban tổ chức cũng giới thiệu các sự kiện bên lề nhằm mở ra những thảo luận về những đóng góp của cộng đồng vào việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách Hôm nay, hai sân bay lớn nhất nước dự kiến đón khoảng 200.000 lượt khách

Trong ngày hôm nay (1/5), ngày cuối của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, theo thống kê của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hai sân bay lớn nhất cả nước dự kiến đón khoảng hơn 200.000 lượt hành khách thông qua cảng.