Di tích đền Long Khánh: Chốn linh thiêng của người dân Bảo Yên

Địa phương
07:09 PM 25/08/2023

Thực hiện Kế hoạch tổ chức tuần văn hoá - du lịch và lễ hội đền Bảo Hà năm 2023 và theo truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong những ngày đầu của tiết lập Thu, UBND xã Phúc Khánh, Ban Quản lý di tích và Phát triển du lịch huyện Bảo Yên long trọng tổ chức Lễ hội đền Long Khánh năm 2023.

Đền Long Khánh tọa lạc tại thôn Đồng Mòng 2, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đền thờ thần Thành hoàng bản thổ và thờ ông Tăng Hán Bảo - Quan Tri châu có nhiều công lao trong việc lãnh đạo nhân dân địa phương chiến đấu chống giặc Cờ Đen khoảng giữa thế kỷ XIX. Trải qua các thời kỳ lịch sử, đền Long Khánh đã bị hoang hóa và trở thành phế tích. 

Di tích đền Long Khánh: chốn linh thiêng của người dân Bảo Yên - Ảnh 1.

Các đại biểu và người dân dự lễ hội

Theo sử sách ghi lại: Từ cuối thế kỷ thứ XVIII đến đầu thế kỷ thứ XIX, vùng đất Long Khánh phải hứng chịu bao cảnh đau thương, dân cư ly tán, làng xóm xác sơ, tiêu điều bởi các toán giặc cỏ, thổ phỉ từ Trung Quốc tràn sang cướp phá. Đặc biệt, sau cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1851-1864) ở Trung Quốc thất bại, năm 1865, tướng giặc Lưu Vĩnh Phúc cùng 200 thủ hạ từ Quảng Đông vượt qua biên giới tiến vào nước ta để lánh nạn. Năm 1867, hắn kéo quân về Lục Yên thành lập quân Cờ Đen. Để nuôi bọn tàn quân, chúng ra sức cướp bóc, bắt nhân dân trong vùng phải nộp lương thực, thực phẩm cho chúng.

Không chịu khuất phục trước những áp bức, bất công đó, Quan Tri châu Lục Yên là Tăng Hán Bảo, người dân tộc Nùng ở làng Mùng Hạ, đã kêu gọi, lãnh đạo nhân dân vùng lên đánh lại chúng. 

Di tích đền Long Khánh: chốn linh thiêng của người dân Bảo Yên - Ảnh 2.

Đền Long Khánh, Bảo Yên, Lào Cai

Tuy nhiên, do vũ khí thô sơ nên đội quân của ông bị thua trận. Ông cùng một số tùy tùng rút quân về đến làng Mùng Hạ (Bản 6 xã Long Khánh, huyện Bảo Yên ngày nay) nhưng bọn giặc truy sát và bắt được ông. Ông bị quân giặc xử chém ngay tại gốc cây sẹc.

Di tích đền Long Khánh: chốn linh thiêng của người dân Bảo Yên - Ảnh 3.

Hình ảnh Lễ rước kiệu được thực hiện theo phong tục, văn hóa dân tộc Nùng.

Sau khi ông và quân lính tử trận, người dân lập Đền thờ, thờ tự vị tướng lĩnh có công lao với nhân dân và đất nước. Người dân thường gọi là Đền thờ Quan Tăng Hán Bảo, ngày nay gọi là đền Long Khánh. Đền thờ ông đặt trên một quả đồi thấp ở thôn bản 6, tổng diện tích gần 2ha.

Qua quá trình nghiên cứu, thu thập hiện vật tại khu vực Đền thờ, người dân trong vùng đã thu gom được nhiều hiện vật có liên quan đến quá trình hình thành và tồn tại của Đền. Trong đó có hiện vật đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn cách đây 2.000 - 2.500 năm. Ngoài ra còn rất nhiều mảnh gốm, sứ được xác định có niên đại cách đây hơn 100 năm, là các hiện vật liên quan đến thờ cúng của ngôi Đền.

Di tích đền Long Khánh: chốn linh thiêng của người dân Bảo Yên - Ảnh 4.

Đánh trống khai hội năm 2023

Đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc xã Phúc Khánh, lòng thành tâm công đức của các tổ chức, cá nhân và của con cháu dòng họ Tăng, dự án trùng tu, tôn tạo di tích Đền Long Khánh đã được khởi công xây dựng từ cuối năm 2018, đến nay trải qua 5 năm xây dựng, tôn tạo, di tích lịch sử đền Long Khánh đã có diện mạo khang trang, nằm trong không gian linh thiêng của vị trí ngôi Đền cổ trước đây, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến thăm quan, chiêm bái.

Một số hình ảnh lễ hội:

Di tích đền Long Khánh: chốn linh thiêng của người dân Bảo Yên - Ảnh 5.

Các tiết mục văn nghệ đậm bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc

Di tích đền Long Khánh: chốn linh thiêng của người dân Bảo Yên - Ảnh 6.

Lễ rước kiệu được thực hiện theo phong tục, văn hóa dân tộc Nùng.

Di tích đền Long Khánh: chốn linh thiêng của người dân Bảo Yên - Ảnh 7.

Người dân và du khách chơi các trò chơi tại lễ hội

 

Châu Nguyên
Ý kiến của bạn