Di tích lịch sử, văn hóa đền Sóc Lang
Nếu du khách đã từng đến Thái Bình, đến với mảnh đất địa linh nhân kiệt, du ngoạn các điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh, hẳn sẽ không bỏ qua khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Sóc Lang (một trong 4 ngôi đền thiêng đất Thái Bình ngày nay).
Đền Sóc Lang hay còn gọi là Từ Lang, thuộc thôn Đông Vinh, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình thuộc "tứ linh từ" của huyện Chân Định xưa.
Lịch sử ngôi Đền Sóc Lang (theo văn bia được dựng tại đền):
Đất Đường Vịnh xưa nay là thôn Đông Vinh thuộc xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vốn là vùng đất hình thành sớm ở châu thổ sông Hồng, có sông nước, có gò đống, lại ở sát hải khẩu dẫn nguồn mạch ra biển Đông.
Văn bia đền Sóc Lang Linh Từ
Gò đống nơi đây có thế hình đầu rồng, chầu về Thăng Long, còn sông nước uốn lượn là hình đuôi rồng vươn ra biển Đông án ngữ phía Nam kinh thành. Quả là nơi chung linh tú khí! Chẳng vậy mà "Thần tiên khi được giáng xuống trần giới" đã phán rằng, đất Đường Vịnh có gò rồng cao ráo, nơi sơn thủy tốt tươi, lập đền thờ nơi đây hẳn được muôn đời phong tặng.
Tích xưa tại đền thôn Đường Vịnh truyền rằng: Thần trước ngày hầu hạ Thượng đế chốn thiên đình, sau sắc xuống làm thần chốn nhân gian, hiển linh ban phúc. Trước khi giáng xuống đất này, Ngài vân du đến Sơn thần Tản Viên ở Tam Đảo. Sau đó, Ngài hiện thân vào cây gỗ đàn hương, báo mộng cho ông lão đánh cá có tên là Mai Ngư Phủ biết để người dân thôn Đường Vịnh dựng đền thờ phụng.
Dân làng liền xây đền thờ, gọi là đền Sóc Lang, rồi lấy gỗ đàn hương tạc tượng Thánh vương, ghi duệ hiệu của ngài là An Cốc hải khẩu Thiên thượng Đại vương. Từ đó dân làng dốc lòng phụng thờ, cầu khẩn đều linh thiêng ứng nghiệm.
Vào đời vua Lê Dụ Tông (trị vì 1705 – 1729), triều đình ban lệnh xét phong Bách thần, Ngài được phong là Thượng đẳng thần. Từ đó, Ngài càng linh ứng, hộ quốc an dân. Vào đời vua Lê Cảnh Hưng, vùng này có nạn thổ phỉ, Thần hiển linh dạy dân cách chống trả. Ngài còn ứng phù vua Lê trị loạn, nên được ban sắc tặng và cho xây dựng lại quy mô. Vào đời vua Tự Đức triều Nguyễn, đền cũng nhiều lần được ban cấp tiền của để mở rộng điện thờ. Mỗi khi cầu đảo, đều ứng nghiệm. Người dân trong vùng nô nức đến chiêm bái, hết lời tán thán ân đức của Ngài.
Đền Sóc Lang là một trong bốn ngôi đền thiêng ở phủ Chân Định xưa "Chân Định tứ linh từ", hiển linh phù trì suốt mấy trăm năm qua. Ngày nay dân làng ơn nhờ phúc ấm mà thành đạt, đem hết tâm huyết mưu nghĩ, tu bổ lại nơi cúng lễ để tri ân công đức. Đền được đại tu vào ngày lành tháng Xuân đến tháng giữa Đông năm Đinh Dậu (2017) thì hoàn thành. Quy mô to đẹp, chế độ mới tươi. Thần uy hiển hiện, vời vợi ở trên, phù trì dân thôn bản quán, cùng thập phương tín thí, giúp rập vận nước vững bền. Nhân đó kính cẩn thuật lại sự việc, cho khắc vào bia đá để truyền mãi bất hủ vậy. Lại làm thêm bài minh tán thán rằng:
Đường Vịnh, Chân Định này, Tú khi chung linh
Có đền cổ thiêng này Thần tiên giáng thế
Hiển hiện linh ứng này Hộ nước an dân
Thôn ấp thờ phụng này Muôn thủa khói hương.
Hiện Đền còn lưu trữ đước 15 sắc phong của các đời vua ban tặng, có những sắc phong có tuổi đời vài trăm năm. Đây là các tư liệu quý, các di sản lịch sử về sự tồn tại, phát triển của ngôi đền thiêng này.
Du khách thập phương về thăm Đền
Kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách đình làng Bắc Bộ
Khu di tích Đền Sóc Lang là công trình kiến trúc đặc sắc, với nghệ thuật điêu khắc đá, điêu khắc gỗ, tạc tượng thờ, kỹ thuật xây dựng đều đạt ở mức tinh xảo được bảo lưu cùng với tín ngưỡng thờ cúng, lễ hội, phong tục, tập quán....
Lễ hội đền Sóc Lang và văn hóa tinh thần người Đông Vinh, Vũ Vinh, Vũ Thư, Thái Bình
Hàng năm, lễ hội đền Sóc Lang được xem như lễ hội truyền thống có từ lâu đời của người dân thôn Đông Vinh xã Vũ Vinh, trở thành đời sống văn hóa tinh thần không thiếu của người dân nơi đây. Lễ hội tổ chức vào các ngày 13, 14, 15 tháng 5 âm lịch nhằm kỷ niệm ngày Thánh hiển linh. Vì vậy mà lễ hội hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm quan và tham dự.
Lễ hội Đền Sóc Lang
Đền Sóc Lang hiện nay là một thiết chế văn hóa cổ tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước vùng châu thổ Bắc Bộ trên đất Thái Bình, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình, ấm no, hạnh phúc của người nông dân mong cầu "mưa thuận gió hòa" mùa màng bội thu và một cuộc sống đoàn kết, gắn bó.
Châu NguyênSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.