Di tích Vũng Đục và câu chuyện về những chiến sĩ cách mạng
Khu di tích và danh thắng Vũng Đục thuộc phường Cẩm Đông (TP Cẩm Phả), rộng khoảng 10.000m2, là một quần thể gồm đền, đài, hang động, quy tụ tại núi Bàn Cờ, nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long thơ mộng. Đây là nơi ghi nhớ công ơn của những chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng vùng mỏ, nơi giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng quật cường của cha ông.
Trong những năm 1948-1949, thực dân Pháp đã bắt hàng trăm đoàn viên công đoàn, thanh niên cứu quốc và những người dân khu mỏ yêu nước, chúng cho vào bao tải, dùng thuyền chở ra Vũng Đục và dìm sống họ xuống biển. Trong số họ có người là lãnh đạo cốt cán, có người là quần chúng yêu nước, một số người tuổi đời còn rất trẻ, có người còn đang tuổi đôi mươi tràn đầy sức sống.
Trong hồ sơ mà Ban Thường vụ Công đoàn mỏ Cẩm Phả báo cáo lên Bác Hồ lập năm 1959, có 8 nữ liệt sĩ nội dung cụ thể như sau: "Chiều ngày 18/9/1948, giặc cho gọi tất cả mọi người ra tra xét nhưng không ai chịu khai cơ sở cách mạng, chúng bỏ đi và nói sáng mai sẽ thả.
Nhưng đêm hôm đó, chúng bỏ 8 nữ chiến sĩ ấy cùng với 3 nam thanh niên khác vào 11 bao tải, lấy dây thép buộc lại, dùng dao đâm chết rồi đeo đá vào chở ra biển". Vào khoảng 12 giờ đêm, chúng bí mật dùng một chiếc thuyền của dân chài đẩy những bao tải ấy ra xa rồi thả xuống biển. 8 nữ liệt sĩ đã được xác định rõ danh tính là: Nguyễn Thị Tý, Phạm Thị Tỵ, Đoàn Thị Mão, Nguyễn Thị Bích, Trần Thị Thu, Phạm Thị Ngọ, Phạm Thị Xuyến, Trần Thị Nga.
Con số người hy sinh thực tế không dừng ở 11 người. Về sự việc này, sách "Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Quảng Ninh" tập 1 có ghi: "Địch bắt của ta 61 người, trong đó có 2 ủy viên ban chấp hành phân đoàn và 8 đoàn viên công đoàn. Chúng tra tấn dã man, giết chết 52 người, trong đó đem dìm xuống Vũng Đục 30 người (có 8 phụ nữ)".
Về những hiện vật liên quan đến sự việc trên, Bảo tàng Quảng Ninh còn lưu giữ chiếc áo bà ba may bằng vải phin gụ của chị Nguyễn Thị Tý, 1 hòn đá, 2 sợi dây điện (1 sợi dài 56cm, 1 sợi dài 280cm) được cho là thực dân Pháp dùng buộc vào bao tải để nhấn chìm những chiến sĩ cách mạng.
Để tưởng nhớ và ghi nhận sự dũng cảm của những công nhân mỏ ưu tú, đã chịu đựng những đòn tra tấn dã man và chấp nhận cái chết để bảo vệ tổ chức Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, Đảng bộ và nhân dân TP Cẩm Phả đã xây dựng đài tưởng niệm ngay dưới chân núi Bàn Cờ, bên cạnh nơi mà thực dân Pháp đã dìm các chiến sĩ xuống biển. Phía sau Đài tưởng niệm được gắn những bức phù điêu cỡ lớn miêu tả lại sự hy sinh của các liệt sĩ Vũng Đục.
Ngay cạnh đài tưởng niệm còn có ngôi đền liệt sĩ Vũng Đục. Ngôi đền được xây dựng khá khang trang, quy mô, với diện tích rộng khoảng 3.000m2 trên khuôn viên 11,5ha, gồm 3 gian 2 chái với thiết kế hình chữ Đinh, khung bằng gỗ tường gạch, cổng tam quan, có 2 nhà đối xứng hai bên là Tả vu và Hữu vu dành làm nơi sắp lễ, 2 nhà bia để ghi sự kiện và công lao đóng góp của các cá nhân và tổ chức có công xây dựng đền. Ngôi đền cũng gợi nhớ một thời kháng chiến hào hùng mà oanh liệt của lớp lớp thế hệ quân và dân vùng mỏ kiên cường.
Khu di tích và danh thắng Vũng Đục được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1999. Ông Phạm Thạnh, người sáng lập Công ty CP Vũng Đục, đơn vị đang khai thác du lịch nơi đây, đề xuất: "Di tích ghi dấu những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ xứng tầm là di tích cấp quốc gia. Chúng tôi mong muốn ngành văn hóa và thành phố lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cấp quốc gia cho di tích này".
Hệ thống hang động Vũng Đục không chỉ gắn liền với phong trào đấu tranh của công nhân mỏ Cẩm Phả trong những năm kháng chiến chống Pháp mà còn mang các giá trị địa chất địa mạo và tâm linh độc đáo, là điểm dừng chân không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến Quảng Ninh.
Hà LoanCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.