Địa phương được đại gia Thái Lan chọn đặt tổ hợp lọc hóa dầu tỷ đô trọng điểm quốc gia có lợi thế đặc biệt gì?

Đầu tư và Tiếp thị
02:31 PM 18/02/2022

Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi đặt dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam - tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại miền Nam Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 5 tỷ USD.

Tổ hợp bao gồm một nhà máy cracking nguyên liệu hỗn hợp với quy mô thế giới, các nhà máy hạ nguồn polyolefins, cụm phụ trợ trung tâm, hệ thống cảng, cầu cảng và các hạng mục liên quan khác với công suất 1,35 triệu tấn olefin và 1,4 triệu tấn polyolefin mỗi năm.

Đại diện các nhà đầu tư lớn trong dự án này của Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn (LSP) là Tập đoàn SCG (Thái Lan) và Amata. Đây cũng là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất trong lịch sử của SCG.

Về tiến độ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Tập đoàn SCG cho biết họ đang cùng lúc phát triển hai dự án gồm nâng cấp công suất cho dự án hiện tại và mở rộng cho giai đoạn 2 của dự án (LSP2). Để tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, LSP2 sẽ được triển khai trong cùng khu vực với dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam hiện tại.

Vậy Bà Rịa – Vũng Tàu có những lợi thế gì khi đặt tổ hợp lọc hóa dầu tỷ đô này?

Vị trí địa lý thuận lợi

Trước tiên, Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được mệnh danh là “bát giác kim cương”, gồm 8 tỉnh có những đóng góp đáng kể tạo nên sức bật và duy trì vị trí dẫn đầu nền kinh tế cả nước. Ngay từ năm 2019, Chính phủ đã xác định đây là vùng nắm giữ vai trò “đầu tàu” dẫn dắt đối với kinh tế đất nước.

Trong số 8 tỉnh là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong số 1 trong 4 địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thuộc nhóm cao nhất (bên cạnh TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương). 

Với vai trò như vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu là một điểm sáng thu hút vốn FDI trên cả nước với việc xây dựng chiến lược thu hút đầu tư có chọn lọc, hỗ trợ nhà đầu tư bằng việc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, hồ sơ đầu tư.

Bà Rịa – Vũng Tàu tọa lạc ở miền Đông Nam Bộ, tiếp giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây, tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, còn phía Nam giáp Biển Đông.

Vị trí này rất đặc biệt, đây chính là cửa ngõ hướng ra biển Đông của các tỉnh Đông Nam Bộ, cho phép tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển, trong đó có khai thác dầu khí trên biển, khai thác cảng biển và vận tải biển. Ở vị trí này, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một địa điểm trung chuyển đi các nơi trong nước và thế giới.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bà Rịa – Vũng Tàu còn nằm trong vùng có tiềm năng lớn về dầu mỏ và khí thiên nhiên của Việt Nam khi so với các tỉnh khác với tổng trữ lượng dầu và dầu khí chiếm đến 93,29% và 16,2% trữ lượng cả nước.

Cơ sở hạ tầng phát triển

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh từ cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Cụ thể, về mặt đường thủy, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn liền kề cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 19 cảng lớn của thế giới đón được siêu tàu lớn nhất hiện nay.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ, khu bến Long Sơn dùng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu liên hợp lọc hóa dầu, luyện kim và ngành năng lượng. Vì thế, vị trí này giúp việc giao thương, vận chuyển hóa dầu của Long Sơn đi các nước trong khu vực được thuận tiện hơn.

Địa phương được đại gia Thái Lan chọn đặt tổ hợp lọc hóa dầu tỷ đô trọng điểm quốc gia có lợi thế đặc biệt gì? - Ảnh 1.

Cảng Cái Mép - Thị Vải

Về mặt đường bộ, nổi bật có dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng chiều dài 53,7km. 

Ông Đinh Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, nhận định dự án giúp chia sẻ lưu lượng giao thông cho quốc lộ 51 cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển các khu công nghiệp và cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai. Đây đều là những dự án đóng vai trò tạo sự đột phá phát triển về kinh tế - xã hội của khu vực Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, theo Báo Đồng Nai, Quốc lộ 56 vừa được khánh thành với tổng mức đầu tư 1.167 tỷ đồng giúp rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp và hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải ra tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Quốc lộ 1 đến các khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.

Về đường hàng không, hiện nay, sân bay Vũng Tàu có vị trí tại bán đảo Vũng Tàu do quân đội quản lý, chỉ sử dụng vụ cho quân sự và ngành dầu khí.

Hoàng Anh
Ý kiến của bạn