Dịch bệnh đưa y tế số thành ngành ngàn tỉ USD
Hiện thị trường chăm sóc sức khỏe 3.600 tỉ USD của Mỹ đang diễn ra cuộc thay đổi lớn sang nền tảng số. Điều tương tự đang xảy ra ở Trung Quốc, châu Âu và nhiều nước khác.
Khoảng 70% bệnh viện ở Mỹ đến nay vẫn còn fax và gửi hồ sơ bệnh nhân qua đường bưu điện. Giám đốc một bệnh viện lớn ở Madrid cho biết không có một hồ sơ y tế điện tử nào được chia sẻ giữa các khu vực ở Tây Ban Nha khi sóng COVID-19 lần đầu tiên ập đến nước này. Không chỉ Mỹ và Tây Ban Nha, hệ thống y tế ở nhiều nước hầu như chưa tiếp cận công nghệ số. Theo McKinsey Global Institute, trong lĩnh vực số hóa, ngành y tế đã bị tụt lại đằng sau không chỉ ngành ngân hàng mà còn cả ngành du lịch, bán lẻ, ô tô...
Đại dịch COVID-19 đã bóc trần khoảng trống quá lớn về số hóa ở các hệ thống y tế trên thế giới, nhưng cũng từ đó kích hoạt sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành này. Trước làn sóng phong tỏa và rủi ro lây nhiễm do COVID-19, bác sĩ đã phải ứng dụng các phương tiện liên lạc số và phân tích số. Bệnh nhân cũng ngày càng cảm thấy thoải mái với việc chẩn đoán, điều trị từ xa và dựa trên máy tính.
Các startup phát triển ứng dụng sức khỏe, bệnh viện, hãng bảo hiểm, hãng dược, các tập đoàn công nghệ như Amazon, Apple và Google... đều đổ xô cung cấp dịch vụ y tế số.
McKinsey ước tính doanh thu y tế số toàn cầu, từ các giải pháp chẩn đoán từ xa cho đến hệ thống nhà thuốc trực tuyến, các thiết bị mang trên người... sẽ tăng từ 350 tỉ USD năm 2019 lên tới 600 tỉ USD năm 2024. Hiện thị trường chăm sóc sức khỏe 3.600 tỉ USD của Mỹ đang diễn ra cuộc thay đổi lớn sang nền tảng số. Điều tương tự đang xảy ra ở Trung Quốc, châu Âu và nhiều nước khác.
Dòng vốn cũng ồ ạt chảy vào ngành được cho sẽ là ngành kế tiếp đạt giá trị ngàn tỉ USD. Theo CB Insights, 8,4 tỉ USD vốn cổ đông đã được rót vào các startup tư nhân trong ngành y tế số vào quý III/2020, hơn gấp đôi so với cách đây 1 năm. Các startup kỳ lân (trị giá từ 1 tỉ USD trở lên) của ngành này có tổng giá trị hơn 110 tỉ USD, theo HolonIQ.
Tháng 9/2020, AmWell, một startup cung cấp giải pháp y tế từ xa được Google đầu tư 100 triệu USD, đã huy động được 742 triệu USD trong đợt IPO, với vốn hóa 6 tỉ USD. JD Health, thuộc JD.com (Trung Quốc), đã thu về 3,5 tỉ USD trong đợt IPO lớn thứ 2 Hồng Kông trong năm nay.
Trước nhu cầu y tế số tăng vọt, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư đều xôn xao. Doctolib (Pháp) cho biết các cuộc hội chẩn qua video tại châu Âu đã tăng mạnh trong năm nay từ 1.000 lên tới 100.000 mỗi ngày. Ping An Good Doctor, một cổng thông tin y tế trực tuyến của Trung Quốc, đang bành trướng sang Đông Nam Á qua liên doanh với hãng gọi xe Grab.
Các công nghệ như cảm biến, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu... ngày càng trở nên quan trọng đối với hệ thống y tế, trước nguy cơ lây nhiễm cao ở các bệnh viện và phòng khám. Livongo và Onduo, chẳng hạn, sản xuất thiết bị giúp theo dõi liên tục bệnh tiểu đường và các bệnh khác. Một nghiên cứu của Đại học Stanford cho thấy gần phân nửa số bác sĩ Mỹ được khảo sát đã sử dụng các thiết bị như vậy. Trong nhóm này, có đến 71% xem dữ liệu từ các thiết bị y tế số rất hữu ích cho y học.
Hồi tháng 6, Mayo Clinic, một tổ chức bệnh viện phi lợi nhuận, đã bắt tay với startup Medically Home để cung cấp dịch vụ “chăm sóc sức khỏe tiêu chuẩn bệnh viện”, từ tiêm, siêu âm, X-quang cho đến điều dưỡng, ngay tại phòng ngủ của bệnh nhân. Thậm chí đồng hồ thông minh Apple Watch được chứng minh là có thể tiên đoán bệnh rối loạn nhịp tim trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Người bệnh cũng ngày càng hứng thú với y tế số. Một cuộc nghiên cứu với khoảng 16 triệu người Mỹ cho thấy việc sử dụng dịch vụ y tế từ xa đã tăng gấp 30 lần từ tháng 1 đến tháng 5.2020. Người tiêu dùng Mỹ trong cuộc khảo sát hồi tháng 5 của Gartner ngày càng sử dụng ứng dụng internet và di động để phục vụ các nhu cầu y tế khác nhau.
Điều quan trọng là giới chức trách nhiều nước cũng đang thúc giục các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cởi mở hơn trong việc chia sẻ thông tin với bên thứ 3, một tiền đề cho y tế số phát triển. Liên minh châu Âu đang thúc đẩy việc xây dựng chuẩn điện tử cho hồ sơ y tế. Hay Yidu Cloud có lẽ là hệ thống dữ liệu y tế lớn nhất thế giới, theo đánh giá của Kai-Fu Lee thuộc Sinovation Ventures. Judy Faulkner, đứng đầu Epic, một nhà sản xuất phần mềm đứng đầu trong lĩnh vực quản lý hồ sơ y tế điện tử, cũng cho biết 40% dữ liệu được quản lý bởi Epic đã được chia sẻ với những đơn vị không phải là khách hàng của Công ty.
Hiện tại, các công ty trong ngành này đang tận hưởng niềm vui chiến thắng. AliHealth, thuộc Alibaba (Trung Quốc), đang phá bĩnh thị trường nhà thuốc nội địa. Doanh thu công ty này tăng tới 74% trong 6 tháng kết thúc vào tháng 9.2020, đạt 1,1 tỉ USD. Trong khi đó, hãng công nghệ Apple, ngoài Apple Watch, còn có gần 50.000 ứng dụng sức khỏe trên iPhone.
Các cuộc hợp tác chưa bao giờ sôi động như hiện nay. Epic đang sử dụng phần mềm giọng nói từ startup Nuance để giúp bác sĩ gửi thông tin cho các chuyên gia bên ngoài. Epic cũng bắt tay với hãng gọi xe Lyft để đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
Siemens Healthineers, một công ty công nghệ y tế lớn của Đức, đang làm việc với Geisinger, một chuỗi bệnh viện Mỹ, để mở rộng mảng theo dõi bệnh nhân từ xa. Các bệnh nhân của Apollo Hospitals (Ấn Độ) có thể sử dụng ứng dụng để lấy thuốc, hội chẩn từ xa, thậm chí vay khám chữa bệnh qua hợp tác của Apollo với HDFC Bank.
Shubham Shingal thuộc McKinsey nhận xét, thực ra, các tập đoàn công nghệ đã sớm bước vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhưng không thành công, lý do là khi đó, họ chỉ đơn độc một mình. Nhưng với chất xúc tác là đại dịch COVID-19, bình minh của một ngành công nghiệp ngàn tỉ USD đang ló dạng, mang đến cơ hội vàng cho những ai tham gia.
An Mai (Theo The Economist)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.