Dịch vụ ăn uống tại chỗ được dự báo khó có thể phục hồi
Dù đại dịch COVID-19 đã đi qua nhiều năm song ngành kinh doanh F&B (công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống) trên khắp châu Á vẫn chưa đạt được lượng khách như trước dịch, đặc biệt là dịch vụ ăn uống tại chỗ.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh thu dịch vụ ăn uống tại nhà hàng chiếm khoảng 60% ngành dịch vụ ăn uống ở châu Á. Số liệu tháng 4 cho thấy con số này giảm mạnh so với mức 76% vào năm 2019.
Trong khi đó, các ứng dụng giao hàng như Grab và Shopee Food lại đang tạo ra sức ảnh hưởng lớn. Đại dịch xuất hiện đi cùng với các biện pháp phong toả, nhiều người chuyển sang đặt đồ ăn thức uống online và thói quen này vẫn tiếp tục được duy trì.
Euromonitor ước tính thị phần giao hàng chiếm 8% thị trường dịch vụ ăn uống vào năm 2018 và đã tăng lên 21% vào năm 2023. Dự kiến đến năm 2028, con số này sẽ đạt 23%, thể hiện hành vi của người tiêu dùng có thể thay đổi trong dài hạn.
Kết quả trên của Euromonitor được thu thập từ 46 thị trường trên khắp châu Á, từ Mông Cổ, Hàn Quốc đến Samoa.
Dao Tran, một người dùng Việt, cho biết: "Dịch vụ giao đồ ăn rất tiện lợi, nhanh chóng. Nếu tôi thèm ăn một bát mì bò mà lười nấu thì có thể đặt hàng trên ứng dụng giao đồ ăn". Vị khách hàng này từng sử dụng dịch vụ để gửi đồ ăn cho các thành viên trong gia đình bị cách ly trong thời gian đại dịch.
Euromonitor dự đoán, doanh thu của dịch vụ ăn uống tại chỗ sẽ chiếm tới 67% thị trường vào năm 2028, điều đó có nghĩa là ngành này có thể sẽ không thể phục hồi về mức trước COVID-19 trong ít nhất 5 năm nữa.
Thay vào đó, thực khách đang ưa chuộng các loại thực phẩm chế biến sẵn như đồ đóng gói hoặc giao hàng do các ứng dụng cung cấp. Đông Nam Á là khu vực thu hút sự chú ý khi đây là nơi có lượng tài xế giao đồ ăn đông đảo.
Ngoài ra, khách hàng cũng đang cảm thấy áp lực từ lạm phát bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí giao hàng, giá thức ăn, đồ uống.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của dịch vụ giao hàng đã làm sự cạnh tranh thêm khốc liệt, khiến các ứng dụng giao hàng khó có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của giao hàng thực phẩm vẫn rất lớn. Theo khảo sát trong báo cáo năm 2023 của Google, Temasek và Bain về Đông Nam Á, ngành này có mức tăng trưởng doanh thu hàng năm cao nhất, lên tới 60%, so với các công ty công nghệ liên quan đến lĩnh vực như du lịch, vận tải và thương mại điện tử.
Theo Emil Fazira, Giám đốc nghiên cứu thị trường thực phẩm châu Á của Euromonitor, các nhà hàng đã phải điều chỉnh trong bối cảnh cạnh tranh. "Bên cạnh việc cải thiện phương thức bán hàng, các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống cũng nâng cao giá trị trải nghiệm tại các nhà hàng với thực đơn hấp dẫn và nhiều lựa chọn ở các mức giá khác nhau", bà nói. Ngoài ra, Euromonitor dự đoán các quán cà phê cũng sẽ cải tiến để thu hút khách hàng.
Báo cáo dự đoán, ngành công nghiệp thực phẩm ở châu Á sẽ quay trở lại mức trước COVID-19 vào năm nay, đạt doanh thu 1.300 tỷ USD.
An Mai (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.