Tìm giải pháp bình ổn giá thịt lợn
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ đầu tháng 4, nhiều doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco, Công ty TNHH quốc tế Việt Đức..., bán giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 70 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo tìm hiểu ở các siêu thị, chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn cả nước, trong các ngày 2 và 3-4, giá lợn hơi, lợn thịt bán ra tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn 70 nghìn đồng/kg.
Người dân mua thịt lợn tại chợ Mai Động (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ.
Qua khảo sát thực tế ở các địa phương, giá thịt lợn hơi trong mấy ngày đầu tháng 4 đã giảm so với tháng trước, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao, hơn 70 nghìn đồng/kg.
Ngày 3-4, giá thịt lợn hơi ở Hà Nội đã giảm 1.000 đồng/ kg so với ngày trước, đang ở mức 79 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, tại các chợ như: Hòe Nhai, Châu Long, Hàng Bè, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Gốc Đề, Thạch Bàn, Hàng Da..., giá thịt lợn bán lẻ vẫn ở mức cao và hầu như không giảm. Cụ thể, thịt ba chỉ ở mức 160 nghìn đồng/kg, giá thịt nạc vai là 170 nghìn đồng/kg, mông sấn ở mức 140 nghìn đồng/kg, móng giò 120 nghìn đồng/kg, sườn 150 nghìn đồng/kg, sườn sụn 200 nghìn đồng/kg. Anh Phùng Văn Chuyền, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ tạm khu Bạch Đằng, Hà Nội cho biết, mấy ngày cuối tháng 3, giá thịt lợn ở mức từ 150 đến 190 nghìn đồng/kg thì đến nay có giá từ 140 đến 180 nghìn đồng/kg. Tại các siêu thị, giá thịt lợn cũng không có dấu hiệu giảm. Tại hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart , các loại thịt lợn nhãn hiệu Meat 3G như nạc vai có giá hơn 180 nghìn đồng/kg, ba chỉ 236.900 đồng/kg... Với sản phẩm thịt lợn Meat Deli, loại nạc vai giá khoảng 256 nghìn đồng/kg; thịt xay giá khoảng 180 nghìn đồng/kg... Tại hệ thống siêu thị Big C, thịt nạc xay có giá 165 nghìn đồng/kg, móng giò 131 nghìn đồng/kg, ba chỉ 171 nghìn đồng/kg... Giám đốc Siêu thị Co.op mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, các doanh nghiệp cung ứng thịt lợn cho hệ thống siêu thị đã giảm giá đầu vào nhưng chỉ ở mức thấp, từ 2 đến 4%. Cụ thể, trước giá thịt lợn đầu vào của siêu thị Co.op mart là 145 nghìn đồng/kg, đến ngày 1-4, doanh nghiệp giảm xuống còn 140 nghìn đồng/kg.
Tại một số chợ ở tỉnh Đồng Nai, trong hai ngày 1 và 2-4, giá thịt lợn có giảm, nhưng không đáng kể so với ngày 31-3. Tại chợ Hóa An, TP Biên Hòa, giá thịt lợn ba chỉ ở mức hơn 150 nghìn đồng/kg; thịt đùi, mông 140 nghìn đồng/kg; sườn non 170 nghìn đồng/kg. Còn tại nhiều chợ truyền thống ở vùng nông thôn, giá thịt lợn đang ở mức từ 130 đến 150 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi trên địa bàn Đồng Nai đã giảm so với thời điểm những ngày cuối tháng 3, nhưng vẫn đang ở mức hơn 70 nghìn đồng/kg. Tại huyện Thống Nhất, nơi được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của Đồng Nai, giá lợn do tiểu thương thu mua ở mức hơn 72 nghìn đồng/kg. Anh Đào Anh Tuấn, chuyên thu mua, vận chuyển lợn từ Đồng Nai đi TP Hồ Chí Minh tiêu thụ cho biết, giá mua trong ngày 2-4 ở mức dao động từ 72 đến 74 nghìn đồng/kg, trong khi cách đây ba ngày là 78 nghìn đồng/kg.
Theo thống kê của ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh là Bình Điền (quận 8), Thủ Đức (quận Thủ Đức), Hóc Môn (huyện Hóc Môn) với tổng sản lượng thịt lợn chiếm hơn 60% của thành phố, trong hai ngày đầu tháng 4, lợn hơi giảm giá khoảng 5.000 đồng/kg so với hai ngày trước đó. Theo các tiểu thương ở chợ đầu mối Hóc Môn, tuy giá thịt lợn mảnh có giảm từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg, nhưng nhìn chung giá thịt lợn pha lóc vẫn ở mức cao, giá thịt nạc 120 nghìn đồng/kg; đùi rọ 100 nghìn đồng/kg; sườn non 160 nghìn đồng/kg.
Từ ngày 1-4 đến nay, giá bán lợn hơi tại một số trang trại chăn nuôi lớn ở tỉnh Thái Nguyên bắt đầu giảm. Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Thái Nguyên, doanh nghiệp có trang trại lớn trên địa bàn tỉnh đã giảm giá lợn hơi từ 75 nghìn đồng/kg xuống còn 70 nghìn đồng/kg, giá thịt xẻ mảnh giảm từ 98 nghìn đồng/kg xuống còn 95 nghìn đồng/kg. Tại hầu hết các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Tại chợ Thái (TP Thái Nguyên), chợ Hương Sơn (Phú Bình) và nhiều chợ dân sinh khác, giá thịt lợn vẫn duy trì ở mức từ 150 đến 180 nghìn đồng/kg.
Lý giải về nguyên nhân giá thịt lợn hiện cao khoảng gấp hai lần so với giá lợn hơi, nhiều tiểu thương cho biết, do số lượng lợn xuất chuồng hạn chế, thương lái khó tiếp cận được nguồn hàng. Nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn cũng cho rằng, nguồn cung sụt giảm là do dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện ở nước ta một năm qua (từ tháng 2-2019 đến 2-2020) khiến số lượng lợn chết nhiều, dẫn đến tổng đàn lợn giảm rõ rệt (trước khi có DTLCP, tổng đàn là khoảng hơn 30 triệu con, thì hiện chỉ còn 24 triệu con). Việc khôi phục sản lượng đàn lợn cần có thời gian chứ không chỉ là ngày một, ngày hai bởi tốc độ tái đàn chưa đạt như mong muốn, nguồn lợn giống vẫn thiếu, giá lại cao (từ 2,2 đến 2,5 triệu đồng/con). Mặt khác, lợn sau khi được các DN chăn nuôi lớn xuất bán tại các trang trại là 70 nghìn đồng/kg, nhưng ra khỏi cổng thì thương lái có thể bán với giá cao hơn 10 nghìn đồng/kg; còn khâu giết mổ, phân phối, vận chuyển..., đã đẩy giá lợn móc hàm lên khoảng từ 100 nghìn đến 115 nghìn đồng/kg. Rồi đến “khâu cuối” là tiểu thương lại tự ý nâng giá để kiếm lợi nhuận. Khâu trung gian hiện vẫn chiếm khoảng 40% giá thành, dẫn đến giá thịt lợn bán lẻ cho người tiêu dùng chưa thể xuống mức hợp lý được. Đây là “bài toán” mà các cơ quan quản lý nhà nước phải sớm tìm ra lời giải trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán bình ổn giá thịt lợn, các tỉnh, thành phố trong cả nước cần tiếp tục tái đàn có kiểm soát, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở kiểm soát tốt dịch bệnh để tăng mạnh nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong đó chú trọng việc nhân giống, cung ứng lợn giống chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để tái đàn, tăng đàn lợn đạt hiệu quả cao hơn. Các nhà chăn nuôi trong nước nên thường xuyên cập nhật thông tin chính thống về hàng hóa, giá cả, các chính sách liên quan trong nước và quốc tế để chủ động trong việc tái đàn; xác định quy mô, chủng loại hàng hóa, xác định hàng hóa mục tiêu, thị trường tiềm năng…, tránh bị động trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể kéo dài.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, cần đưa thịt lợn vào diện những mặt hàng bình ổn giá hoặc dự trữ quốc gia, khi giá xuống thấp có thể mua vào, lúc khan hàng sẽ bán ra, từ đó có điều kiện kiểm soát giá tốt hơn. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần định hướng để các DN chăn nuôi lớn có thể cùng làm việc, bàn phương án hợp tác, phối hợp với nhau trong toàn chuỗi cung ứng. Từ đó có thể giải quyết đồng bộ từ nguồn cung, khâu giết mổ đến đưa sản phẩm ra thị trường, tiến tới giảm các khâu trung gian, qua đó đưa giá sản phẩm về đúng giá thật. Mọi thành phần tham gia trong chuỗi đều được hưởng lợi, đồng thời góp phần kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng. Cùng với đó, các ngành chức năng cần có những biện pháp quyết liệt, hữu hiệu nhằm ngăn chặn triệt để nạn đầu cơ của tư thương (nhất là khâu phân phối) gây bất ổn thị trường, có chế tài mạnh để xử lý những trường hợp vi phạm. Nếu làm tốt và đồng bộ các nhiệm vụ trên thì ngành chăn nuôi lợn mới có cơ hội tiếp tục phát triển theo hướng bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ và người tiêu dùng.
Theo Nhân dân
Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp với tuyệt đại đa số đại biểu có mặt tán thành. Trong đó, Quốc hội đã cho phép bổ sung 55.000 tỷ đồng thực hiện tăng lương cơ sở.