Điểm danh các địa phương có giá sinh hoạt cao nhất cả nước: Quảng Ninh đắt đỏ hơn TP. HCM
Mới đây, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã công bố báo cáo về chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI). SCOLI giúp phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt trong một thời gian nhất định. Qua đó, thấy được những địa phương đang có mức giá đắt đỏ nhất cả nước.
Theo TCTK, năm 2021, vùng Đồng bằng sông Hồng giữ vị trí có giá cả đắt đỏ nhất cả nước. Vị trí thứ hai là vùng Trung du và miền núi phía Bắc với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,61%, tiếp theo là Đông Nam Bộ 99,04%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 98,74%, Tây Nguyên 97,57% và cuối cùng là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 95,12%.
Thứ tự mức độ "đắt đỏ" của các vùng kinh tế năm 2019-2021. Nguồn: TCTK.
Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam có những bước tăng tốc mạnh mẽ. Đặc biệt, thương mại điện tử đang dần trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Bên cạnh đó, số lượng người dùng internet mua sắm tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhờ vào thương mại điện tử mà giá hàng hóa công khai, minh bạch, dịch vụ vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, do vậy mức giá hàng hóa gần như thống nhất trên toàn quốc. Trên thực tế, giá hàng hóa giữa các địa phương chủ yếu chỉ chênh lệch phần chi phí vận tải. Chính vì vậy, mức giá giữa các vùng ngày càng đồng đều hơn khi các kênh bán hàng qua mạng phát triển.
Xét trên quy mô 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước, Quảng Ninh đứng thứ 2 cả nước với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 99,5% so với Hà Nội, tăng mức đắt đỏ 4 bậc so với năm 2020.
Các địa phương có chỉ số SCOLI cao nhất và thấp nhất năm 2021 (%). Nguồn: TCTK.
Trong năm 2020, Quảng Ninh có mức giá đắt đỏ xếp thứ 6 cả nước. Sang năm 2021, Quảng Ninh vượt lên có mức giá đắt đỏ xếp thứ hai vì là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Trong những năm qua, Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các ngành kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Kinh tế Quảng Ninh phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ cao hơn so với các địa phương khác.
Đứng thứ ba trong cả nước là thành phố Hồ Chí Minh với chỉ số SCOLI bằng 98,98%. Tiếp theo là Đà Nẵng đứng thứ 4 với chỉ số SCOLI năm 2021 bằng 96,4%. Mức giá của Đà Nẵng đứng ở vị trí cao trong cả nước do Đà Nẵng là một trong 5 thành phố lớn của Việt Nam, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung.
Hiện nay, Đà Nẵng đang phát triển với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; trung tâm văn hóa thể thao, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính, viễn thông và tài chính, ngân hàng.
Hải Phòng xếp thứ 5 với chỉ số SCOLI bằng 95,58%, giảm mức đắt đỏ 2 bậc so với năm 2020. Hải Phòng tập trung nhiều ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đặc biệt là cảng trung chuyển hàng hóa chiến lược quan trọng. Do đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao dẫn đến mức giá một số nhóm hàng hóa và dịch vụ tại Hải Phòng cao hơn so với các địa phương khác.
Minh TiếnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.