“Điểm danh” một loạt sai phạm tại Đạm Hà Bắc
Dự án khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng; trong quá trình thi công, các nhà thầu trong liên danh không thực hiện đúng tỷ lệ công việc đã thỏa thuận trong liên danh nhà thầu…
Thanh tra Chính phủ công bố một loạt các sai phạm tại Đạm Hà Bắc.
Đây là kết luận thanh tra về những vi phạm tại Công ty Cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, ngày 25/5.
Cụ thể, đối với việc thực hiện dự án đầu tư cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc, trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, mặc dù đã mở thầu nhưng Công ty đạm Hà Bắc vẫn chấp nhận cho liên danh nhà thầu WEC-CECO bổ sung Giấy ủy quyền tham dự thầu và bổ sung Giấy đăng ký kinh doanh (có công chứng). Việc này đã vi phạm quy định của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu năm 2005.
“Đụng đâu sai đấy”
Khi nghiệm thu hồ sơ, tài liệu dự án do nhà thầu WEC-CECO lập, nhà thầu cấp thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ cơ sở để xác định tổng mức đầu tư của dự án. Dù vi phạm hợp đồng nhưng Công ty đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký.
Do vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu trong lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án, tổng mức đầu tư của dự án được xác định không có căn cứ, cơ sở, không sát thực tế là nguyên nhân chính dẫn đến sau này Công ty đạm Hà Bắc không chọn được nhà thầu EPC, phát sinh chi phí 3.571 tỷ đồng; phải điều chỉnh dự án, đấu thầu lại làm tăng chi phí đầu tư, mất cơ hội khi giá đạm tăng cao; bổ sung thuế giá trị gia tăng thiết bị nhập khẩu, chịu ảnh hưởng giá than tăng cao, chênh lệch tỷ giá tăng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án thua lỗ. Thanh tra Chính phủ khẳng định, những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự trong đấu thầu (theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015).
Vẫn theo kết luận Thanh tra Chính phủ, trong thẩm định, phê duyệt dự án năm 2008 (lần 1) đã xuất hiện các vi phạm như Tổng công ty Hoá chất Việt Nam chỉ thẩm định tổng mức đầu tư dự án, không thẩm định các nội dung khác của dự án là vi phạm quy định của Chính phủ. Mặc dù, tổng mức đầu tư của dự án thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng để xác định nhưng vẫn được Tổng công ty Hoá chất thẩm dịnh phê duyệt là thiếu căn cứ, cơ sở.
Bên cạnh đó, dự án đầu tư bằng ngoại tệ, nhưng thẩm định, phê duyệt dự án không phân tích ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá. Quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng quy định của pháp luật về môi trường.
“Trong quá trình lập dự án điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnnh năm 2009, Công ty đạm Hà Bắc không đủ điều kiện, không đủ năng lực nhưng vẫn tự lập dự án điều chỉnh và được Tổng công ty Hóa chất thẩm định, phê duyệt là không đúng quy định về quăn lý xây dựng”, báo cáo nêu rõ.
Mặc dù dự án không thay đổi về quy mô, công suất, khi thẩm định điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư dự án, trong đó có một số nội dung về chi phí thiết bị chưa được làm rõ nhưng vẫn được Tổng công ty Hoá chất thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án là gần 569 triệu USD, tăng hơn 176 triệu USD (tăng 44,9%) là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.
Đáng chú ý, năm 2008, khi thẩm định tổng mức đầu tư dự án (392,375 triệu USD), tổ thẩm định đã nêu rõ dự án sẽ gặp khó khăn khi vốn đầu tư tăng 20% hoặc giá Urê giảm 8%. Tuy dự án không thay đổi mục tiêu, quy mô, công suất nhưng khi điều chỉnh năm 2009 thì tổng mức đầu tư của dự án tăng 44,9% so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt năm 2008. Điều này ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả dự án nhưng chưa được phân tích đánh giá, làm rõ trong quá trình điều chỉnh dự án.
“Tổng mức đầu tư dự án tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí sản xuất - kinh doanh... là những nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ. Những vi phạm trên có dấu hiệu hình sự về thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015)", Thanh tra Chính phủ nhận định.
Bộ Xây dựng lúc đó đã có ý kiến về điều kiện thực tế vị trí xây dựng dự án, nhưng Đạm Hà Bắc đã không tổ chức khảo sát kỹ… Đến thời điểm thanh tra, các nội dung tranh chấp của Hợp đồng EPC chưa được các bên giải quyết; chi phí đầu tư của dự án chưa được quyết toán. Tổng vốn đầu tư của dự án là 568,646 triệu USD, nhưng tỷ lệ vốn tự có của công ty tham gia dự án chỉ chiếm 17,9%; còn lại chủ yếu là vốn vay chiếm 82,1% dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài.
Gánh nặng tái cơ cấu các khoản vay
Trước đó, khi nhắc tới dự án này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đánh giá, gánh nặng lớn nhất của đạm Hà Bắc hiện là tái cơ cấu các khoản vay. Đơn cử, doanh thu năm 2018 của đạm Hà Bắc là 3.087 tỷ đồng, nhưng riêng chi phí tài chính gồm lãi ngắn hạn, lãi dài hạn và tỷ giá đã chiếm tới 820 tỷ đồng. Với con số 820 tỷ đồng/3.087 tỷ đồng, các khoản phải trả chiếm tới 27-28%.
Điều này khiến đạm Hà Bắc không thể "gượng dậy" nổi. Cả năm 2019, theo tính toán các khoản vay phải trả, lãi phải trả, chi phí tài chính của đạm Hà Bắc khoảng 870 tỷ đồng trên kế hoạch doanh thu khoảng 3.100 tỷ đồng. "Đây là một gánh nặng khủng khiếp", ông Cường nói.
Vẫn theo ông Nguyễn Phú Cường, tính bình quân lãi suất vay đầu tư của đạm Hà Bắc là 10,78%/năm chưa kể lãi phạt, nếu trả chậm là bị nhân lên hơn 15%/năm. Dù nhà máy đã thực hành nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí, song gánh nặng chi phí mà chủ yếu là lãi vay đã khiến đạm Hà Bắc luôn trong tình trạng "báo động".
Bên cạnh đó, vấn đề vướng mắc trong xử lý tranh chấp Hợp đồng EPC là điểm không thể không nhắc đến với dự án Nhà máy đạm Hà Bắc. Lý do, bởi các bên không dàn xếp được nên hiện đã phải chuẩn bị sẵn sàng phương án giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài theo quy định về giải quyết tranh chấp.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.