Điểm lại loạt công trình trọng điểm trên địa bàn TP HCM trong 10 tháng
Theo Cục Thống kê TP HCM, trong tháng 10, vốn đầu tư từ ngân sách thành phố và Trung ương phân bổ về địa phương ước thực hiện 1.125 tỷ đồng; 10 tháng ước thực hiện 14.887 tỷ đồng, giảm 46,5% so với cùng kỳ, đạt 41,6% kế hoạch năm.
Cục Thống kê TP HCM mới đây đã công bố báo cáo kinh tế tháng 10 và 10 tháng năm 2021. Theo đó, tháng 10/2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 23,6% so với tháng 9/2021. Tính chung 10 tháng, IIP trên địa bàn thành phố giảm 16,0% so với cùng kỳ năm trước.
Các ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số công nghiệp giảm mạnh như sản xuất đồ uống giảm 30,1%, sản xuất trang phục giảm 29,4%%, sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 20,2%; sản xuất sản phẩm điện tử giảm 19,3%; sản phẩm sản xuất từ khoáng kim loại giảm 15,1%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10 ước tính tăng 19,7% so với tháng 9/2021 và giảm 46,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành nông nghiệp thành phố cũng dần khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Về thủy sản, lũy kế 10 tháng năm 2021, sản lượng thủy sản ước thực hiện 42.877 tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng thủy sản khai thác 10 tháng ước thực hiện 12.192 tấn, giảm 14,2%; sản lượng thủy sản nuôi trồng 10 tháng ước đạt 30.685 tấn, giảm 9,1%.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục làm gián đoạn hoạt động thương mại quốc tế. Mặc dù vậy, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 2,2% và nhập khẩu tăng 17,8%. Khu vực ngoài nhà nước được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu của Thành phố với kim ngạch xuất khẩu tăng 1,6% và nhập khẩu tăng 1,0% so với cùng kỳ
Đối với vốn đầu tư, trong tháng 10, vốn đầu tư từ ngân sách thành phố và Trung ương phân bổ về địa phương ước thực hiện 1.125 tỷ đồng; 10 tháng ước thực hiện 14.887 tỷ đồng, giảm 46,5% so với cùng kỳ, đạt 41,6% kế hoạch năm.
Trong đó, tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm trên địa bàn TP HCM:
- Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên: Do khó khăn về công nhân thi công, chuyên gia nước ngoài và vật tư thiết bị không thể nhập cảnh đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Dự kiến khả năng dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Khối lượng thực hiện toàn dự án ước đạt trên 88%;
- Dự án tuyến đường sắt Metro số 2: Công tác giải tỏa cơ bản đã xong, các quận bị giải tỏa đang tháo dỡ, bàn giao mặt bằng. Dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm 2022;
- Dự án cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2: đã hợp long nối Quận 1 và thành phố Thủ Đức. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành cuối năm 2021 và đưa vào hoạt động vào quý 2/2022.
Từ ngày 1/1 đến 15/10, thành phố đã cấp phép cho 23.847 doanh nghiệp với tổng số đăng ký 392.624 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số giấy phép giảm 28,1% và vốn giảm 47%.
Cũng trong tháng 10, hoạt động thương mại dịch vụ bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Dây là thời điểm gần cuối năm, nên nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân cũng thường tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 dự ước đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước và giảm 52,3% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2021 giảm 0,41% so với tháng trước, tăng 2,02% so với tháng cùng kỳ năm trước và bình quân 10 tháng năm 2021 tăng 2,52% so với bình quân năm 2020. So với tháng trước có 4 nhóm chỉ số giá giảm gồm nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; bưu chính viễn thông. Các nhóm hàng còn lại đều tăng so tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông ( 2,14%).
Đối với tình hình thu chi ngân sách, Cục Thống kê TP HCM thông tin, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố, tuy nhiên tổng thu cân đối ngân sách 10 tháng đầu năm 2021 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ, không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách ước tăng 4,6% so với cùng kỳ.
Kết quả này đạt do kết quả kinh doanh khả quan từ các doanh nghiệp trong khối kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng và tác động từ chính sách gia hạn thời gian nộp thuế theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP góp phần làm tăng tổng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2021.
Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phốa lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 311.895 tỷ đồng, đạt 85,5% dự toán và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi ngân sách địa phương (chưa tính tạm ứng) lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 58.312 tỷ đồng, đạt 60,1% dự toán và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 56.409 tỷ đồng, đạt 60,8% dự toán, chiếm 96,7% tổng chi ngân sách địa phương và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hà TrầnNgày 28/11, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.