Điểm sáng ngành du lịch Tri Tôn

Địa phương
06:37 AM 20/11/2020

Tri Tôn là huyện miền núi, nằm ở phía tây tỉnh An Giang. Trong đại dịch Covid-19, Tri Tôn là một trong những địa phương hiếm hoi chịu ít ảnh hưởng của du lịch.

Điểm sáng ngành du lịch Tri Tôn

Tri Tôn nổi tiếng cả nước về tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt những danh thắng lịch sử độc đáo như: Đồi Tức Dụp, Nhà mồ Ba Chúc, Chùa Svay-ton (nơi xuất phát địa danh Tri Tôn), Hồ Tà Pạ, Núi Ngọa Long Sơn... 

Ông Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.

Điểm sáng ngành du lịch Tri Tôn - Ảnh 1.

Ông Cao Quang Liêm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Phóng viên: Tri Tôn là huyện gặp nhiều khó khăn; huyện vùng xa, giáp biên giới với nước bạn Campuchia và đa sắc tộc nhưng du lịch lại thu hút một lượng du khách đến tham quan nhiều hơn một số địa phương khác. 

Đặc biệt, trong dịch Covid-19 vừa qua, ngành du lịch huyện Tri Tôn chỉ bị tác động, ảnh hưởng một phần khá nhỏ. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ông Cao Quang Liêm: Tri Tôn cũng như nhiều địa phương trong tỉnh An Giang và của cả nước, không tránh khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng có lẽ ít bị tác động hơn. 

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Tri Tôn đón trên 342.367 lượt khách (giảm 26,73% so cùng kỳ) đến tham quan tại các điểm du lịch, khu di tích lịch sử như: Đồi Tức Dụp, Nhà mồ Ba Chúc, khu vực hồ Tà Pạ, hồ Soài Chek, hồ Soài So, hồ Ô Thum, Ô Tà Sóc và các điểm vui chơi, giải trí, tâm linh, tín ngưỡng khác.

Do làm tốt công tác quản lý, các điểm tham quan du lịch ngày càng được cải thiện, nhiều điểm du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp nên đã thu hút phần lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Điều may mắn là trong 9 tháng đầu năm, không riêng ngành du lịch mà các ngành khác cũng đã kêu gọi được 6 doanh nghiệp đến đầu tư vào các dự án trên địa bàn huyện, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực năng lượng. 

Điểm sáng ngành du lịch Tri Tôn - Ảnh 2.

Làng nghề truyền thống quết bánh phồng mì.

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã "phụ trợ" cho du lịch khá nhiều do các mặt hàng thủ công luôn được khách du lịch tìm mua. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 313,54 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 5,28% (bằng 15,52 tỷ đồng); theo giá hiện hành đạt 393,7 tỷ đồng, chủ yếu khu vực cá thể chiếm 94,95% (373,81 tỷ đồng), doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 19,89 tỷ đồng. 

Huyện đã tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện theo Kế hoạch số 19/KH-UBND, kết quả có 2 sản phẩm đạt "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu" năm 2020. Qua đó, đề xuất tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020.

Phóng viên: Tri Tôn được biết đến là nơi của các lễ hội như: Đua bò Bảy Núi, Chol Chnam Thmay, Ok-Om-Bok... Lễ hội diễn ra quanh năm dẫn đến việc tổ chức và quản lý đòi hỏi các đoàn thể, chính quyền mất rất nhiều công sức. Ông đánh giá thế nào đối với hoạt động của các đoàn thể của huyện nhà?

Ông Cao Quang Liêm: Đúng là Tri Tôn lễ hội diễn ra thường xuyên. Trải qua thời gian, các lễ hội đã đi vào nề nếp, đến hẹn lại lên. Vì vậy, vai trò của chính quyền và các đoàn thể trong công tác này cực kỳ quan trọng. Theo tôi, các đoàn hội của huyện đã và đang hoạt động tốt nhất.

Phong trào văn hoá và các loại hình thể dục thể thao phát triển đa dạng, phong phú, ngày càng thu hút nhiều tổ chức và cá nhân tham gia luyện tập; xét và công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. 

Điểm sáng ngành du lịch Tri Tôn - Ảnh 3.

Cánh đồng lúa vàng um hồ Tà Pạ.

Huyện đã ban hành kế hoạch quản lý công tác trùng tu các di tích lịch sử văn hóa và tổ chức tọa đàm đề nghị công nhận di tích lịch sử trên địa bàn huyện Tri Tôn năm 2020; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khảo sát sửa chữa đình Vĩnh Gia, Đình Cầu Dài (thuộc xã Vĩnh Gia), Đình An Hòa (thị trấn Ba Chúc), Chùa Xvayton (thị trấn Tri Tôn)… tiếp tục rà soát các di tích lịch sử cấp Quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn huyện; Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kinh doanh văn hóa phẩm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Chúng tôi đã củng cố, nâng cấp hệ thống truyền thanh cơ sở, kịp thời tuyên truyền các hoạt động chính trị của địa phương; xây dựng nhiều chuyên mục, viết tin bài, ghi hình thông tin phục vụ nhân dân. 

Hệ thống phát thanh từ huyện đến cơ sở đảm bảo thông suốt; phát thanh và tiếp sóng từ 02 - 03 buổi/ngày. Tổ chức họp mặt phóng viên, báo chí, doanh nhân có nhiều đóng góp cho địa phương.

Về chính sách tôn giáo, huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo giúp đồng bào dân tộc, tôn giáo phát triển kinh tế, giảm nghèo; phân định các xã, thị trấn, khóm, ấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo công tác Tôn giáo huyện về việc đóng góp sửa đổi Hiến chương, nhân sự Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa; tiếp nhận, củng cố và hoàn chỉnh hồ sơ xin thành lập Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, xã Cô Tô gửi về Giáo hội Trung ương. 

Tổ chức thăm, tặng quà các chùa, các tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ Tôn giáo tiêu biểu và hộ nghèo nhân dịp tết Nguyên đán Canh Tý, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ hội Sen Dolta, Lễ Phật đản và họp mặt chức sắc, chức việc tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng các vị có những đóng góp tích cực trong công tác tôn giáo. 

Ban Dân tộc tỉnh An Giang hỗ trợ cho 3.051 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc Khmer (mỗi hộ 300.000 đồng) và 200 bao xi măng phục vụ các công trình xây dựng tại 2 điểm chùa Nam tông Khmer trên địa bàn với tổng kinh phí 931,3 triệu đồng.

Ngoài ra, cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở Tri Tôn và Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang với tổng số 140 lượt học sinh tham dự.

Tổ chức khai giảng 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2020 với tổng số học viên tham gia 316 lượt (trong đó, huyện Tri Tôn là 302 học viên, huyện Thoại Sơn là 14 học viên); tổ chức đưa đại biểu của huyện tham dự buổi họp mặt cán bộ, công chức và người uy tín, đồng bào dân tộc Chăm nhân dịp tết Roya Haji năm 2020 tại Ban Dân tộc tỉnh An Giang; ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng lễ Senne Đônta của đồng bào dân tộc Khmer năm 2020....

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Hồng Ân (thực hiện)
Ý kiến của bạn