Cụ thể, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Cụ thể, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp Quý I/2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,66% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm.
Tại khu vực công nghiệp và xây dựng, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp Quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Nguyên nhân do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm. Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ trong Quý I/2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế Quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%.
Về sử dụng GDP Quý I/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) Quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Trong Quý I/2023, CPI bình quân Quý I/2023 tăng 4,18%, còn lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.
Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm CPI tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 3 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%.
CPI bình quân Quý I/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022 do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng quý I năm 2023 tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI tăng 1,35 điểm phần trăm) do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao; Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,41% (tác động làm CPI tăng 0,94 điểm phần trăm) chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng.
Học phí giáo dục tăng 10,13% (tác động làm CPI tăng 0,62 điểm phần trăm) do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9% (tác động làm CPI tăng 0,22 điểm phần trăm) do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân sau làm giảm CPI trong quý 1/2023: Bình quân Quý I/2023, giá xăng dầu trong nước giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới; Giá gas trong nước giảm 1,81% theo giá thế giới; Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,26% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.
Lạm phát cơ bản tháng 3 tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong Quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước Quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế Quý I/2023 đã diễn ra theo đúng dự báo của các tổ chức quốc tế, giá cả giảm tốc nhưng vẫn neo ở mức cao và tăng trưởng khó hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với Việt Nam, CPI ở mức không phải là cao so với thế giới và khu vực. Quý I/2023 năm nay, CPI tăng cao hơn mức bình quân chung. Sắp tới tính bất ổn rất cao, nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát, thị trường Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào giá: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, sắt thép… Tổng cục trưởng Thống kê đề nghị đối với giá các dịch vụ, hàng hóa như y tế, giáo dục, điện… cần quản lý chặt chẽ và có lộ trình điều chỉnh cụ thể.
Trong quý I/2023, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 491.500 tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô ước đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9% dự toán năm và giảm 11,4%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 64,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán năm và giảm 16,4%.
Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 3 ước đạt 130,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế Quý I/2023 ước đạt 363,4 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán năm và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 262,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 73,2 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% và tăng 18,9%; chi trả nợ lãi 27,9 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% và giảm 3,4%.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, thu - chi ngân sách nhà nước Quý I/2023 đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, đã gây ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 của nước ta ước đạt 58,49 tỷ USD, tăng 18,6% so với tháng trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung Quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cùng với với sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu nên cán cân thương mại hàng hóa quý I năm nay ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước. Tính chung Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD, giảm 17,4%, chiếm 24,3% tổng kim ngạch; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,91 tỷ USD, giảm 10%, chiếm 75,7%.
Trong Quý I/2023, có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước.
Tính chung quý I năm nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%.
Trong quý, có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%).
Cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ tháng 2/2023 xuất siêu 2,8 tỷ USD; 2 tháng đầu năm xuất siêu 3,42 tỷ USD; tháng 3 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD.
Tính chung Quý I/2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,84 tỷ USD.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Đây là mức tăng khá cao, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…
Xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý I.
Thực hiện: Thương Huyền