Điện ảnh, âm nhạc: Hướng đi tiềm năng trong quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam
Quảng bá văn hóa, du lịch địa phương thông qua điện ảnh và âm nhạc không phải là hình thức mới nhưng lại rất tiềm năng, đã mở thêm những cách quảng bá truyền thông hiệu quả, không đi theo lối mòn và đang trở thành xu hướng, tạo nên bước đột phá trong phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Điện ảnh và âm nhạc cung cấp những hình ảnh thị giác sinh động và có tính tượng hình cao, tuy nhiên phải công nhận, phim ảnh và các MV âm nhạc luôn làm tốt việc khơi gợi trí tò mò của khán giả đối với những danh lam thắng cảnh được khắc họa. Bên cạnh việc giới thiệu vẻ đẹp của điểm du lịch, các bối cảnh còn mang lại cho người xem trải nghiệm về đời sống xã hội, văn hóa của người dân bản địa về ngôn ngữ, âm nhạc, ẩm thực, lối sống, phong tục và tập quán.

Điện ảnh, âm nhạc: Hướng đi tiềm năng trong quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam
Vì vậy, các chuyến tham quan được xây dựng dựa theo một bộ phim hay một sản phẩm âm nhạc không chỉ bao gồm việc nhìn ngắm phong cảnh mà còn là tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương
Âm nhạc trở thành “đại sứ du lịch”
Những hình ảnh tuyệt đẹp về phong cảnh, con người và những nét văn hóa đặc sắc của các vùng miền đang trở thành “kho báu” khi nhiều nghệ sĩ thực hiện các MV ca nhạc, góp phần quảng bá du lịch, đất nước và con người Việt Nam.
Vừa qua, MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy (kết hợp với nghệ sĩ Xuân Hinh, Massew, Tuấn Cry và hơn 300 người dân Bắc Ninh) nhanh chóng “gây sốt”, tạo hiệu quả bất ngờ trong việc quảng bá du lịch, văn hóa địa phương bằng âm nhạc.

MV “Bắc Bling” của ca sĩ Hòa Minzy gây "sốt" trên các bảng xếp hạng âm nhạc, trở thành sản phẩm âm nhạc mang lại hiệu quả trong quảng bá văn hoá, du lịch Bắc Ninh.
Điểm nhấn làm nên sức hút của MV “Bắc Bling” là bên cạnh âm nhạc được sáng tạo pha trộn giữa hiện đại và dân gian, MV được quay tại các địa điểm nối tiếng của Bắc Ninh như đền Đô, chùa Dâu, đền Bà Chúa Kho, làng gốm Phù Lãng, cùng các di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng như: Quan họ, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, đấu vật, tranh Đông Hồ...
Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh, cho biết đây không chỉ là một chiến lược quảng bá hiệu quả mà còn là cách để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống một cách bền vững.
Trước đó, nhiều ca sĩ đã thực hiện những sản phẩm âm nhạc mang đến hiệu quả cao trong quảng bá du lịch, tăng sức hút cho điểm đến. Nhiều MV ca nhạc đã góp phần thúc đẩy du lịch khi khắc họa sống động cảnh sắc Việt Nam.
Những cảnh đẹp của Hạ Long, đồi Phượng Hoàng (Quảng Ninh); Hoa Lư, Tràng An, Tam Cốc Bích Động, Hang Múa (Ninh Bình); Hội An (Quảng Nam), Quảng Bình, Huế, Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đi và đi… được xuất hiện rất nhiều trong các MV của nghệ sĩ: Đen Vâu, Hoà Minzy, Bích Phương, Văn Mai Hương, Vicky Nhung…

Hay như “See Tình” của Hoàng Thùy Linh rực rỡ miền Tây, “Nàng thơ” của Hoàng Dũng đưa Đà Lạt nên thơ vào khung hình, hay “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP làm nổi bật vẻ đẹp sa mạc và bãi biển Ninh Thuận.
So với nhiều hình thức quảng bá du lịch, MV ca nhạc có nhiều lợi thế hơn khi không chỉ có phần hình ảnh, âm nhạc, giai điệu, ca từ, mà còn gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ. MV ca nhạc cùng với sức ảnh hưởng của cá nhân nghệ sĩ mang đến sự lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi, trở thành một trong những công cụ truyền thông mạnh mẽ, khơi gợi cảm hứng trải nghiệm, khiến người xem muốn xách balo lên và khám phá ngay.
Chính vì thế, những MV ca nhạc này đang dần trở thành những “đại sứ du lịch”, mang hình ảnh đẹp của đất nước ra thế giới, thông qua những sáng tạo của các nghệ sĩ. Như ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du Lịch Việt Nam từng chia sẻ rằng, việc sáng tạo dựa trên các nội dung về du lịch địa phương kết hợp với âm nhạc sẽ góp phần quảng bá du lịch dưới hình thức mới mẻ, dễ dàng tiếp cận, nhưng vẫn giữ trọn tinh thần văn hóa Việt Nam.
Điện ảnh - Chìa khóa quảng bá văn hóa du lịch
Không chỉ âm nhạc có thể tạo "trend" du lịch mà ngay trong điện ảnh, việc quảng bá điểm đến cũng được các đạo diễn lồng ghép khéo léo bằng những thước phim hoành tráng.
Đã có không ít quốc gia trở thành điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế nhờ những bộ phim điện ảnh thành công. Điều này cho thấy sự kết hợp hiệu quả giữa điện ảnh với văn hóa và du lịch.

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" với bối cảnh quay tại Phú Yên
Báo cáo "Xu hướng Du lịch 2023 của Expedia" cho thấy 2/3 du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh, và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh. Điều này cho thấy, các bộ phim không chỉ giúp quảng bá phong cảnh thiên nhiên, mà còn là cầu nối giúp khán giả hiểu về văn hóa, truyền thống và lối sống của một quốc gia nhanh, hiệu quả.
Tại Việt Nam, nhờ điện ảnh mà nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng, thu hút khách du lịch khắp thế giới đến tham quan. Mô hình du lịch theo phim ảnh tác động vào trí tò mò của công chúng bởi hình ảnh các điểm đến (phim trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích...) và nhân vật trên màn ảnh.
Những bộ phim như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" với bối cảnh quay tại Phú Yên, "Chuyện của Pao" được quay ở xã Sùng Là (Hà Giang), "Tết ở làng Địa Ngục" với bối cảnh quay chính tại làng Sảo Há (Hà Giang) - nơi còn lưu giữ gần như vẹn nguyên hình ảnh mộc mạc ngôi làng cổ của người dân tộc Mông; Mắt biếc” với cảnh đẹp truyền thống của Trường Đại học Sư phạm Huế; đồi Thiên An; phố cổ Bao Vinh; thôn Hà Cảng…

Bối cảnh trong phim "Mắt biếc" đã khiến nhiều địa điểm ở Huế trở nên hút khách du lịch. Ảnh: Poster phim Mắt Biếc
Việc dùng điện ảnh để quảng bá, phát triển du lịch đã được áp dụng từ lâu trên thế giới, cũng như được đặc biệt coi trọng ở Việt Nam trong một số năm trở lại đây. Thực tế đã chứng minh việc quảng bá một địa danh thông qua điện ảnh mang lại hiệu quả bất ngờ. Các tác phẩm nổi tiếng như: Người tình (1991), Đông Dương (1992), Người Mỹ trầm lặng (2002)... được coi là những đại diện tiêu biểu góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới ở giai đoạn trước. Đặc biệt, hiệu ứng tích cực từ bộ phim “bom tấn” Kong: Skull Island (Kông: Đảo Đầu lâu) cũng đã được ngành Du lịch Việt Nam ghi nhận thông qua việc bổ nhiệm đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2017 - 2020.
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đặt ra những mục tiêu lớn trong hoạt động truyền thông, quảng bá. Trong đó, các sản phẩm âm nhạc khơi gợi cảm hứng du lịch, những tác phẩm điện ảnh lấy bối cảnh quay tại các điểm đến đẹp mắt, tạo trend cho cả hoạt động văn hóa lẫn du lịch đã mở thêm những cách quảng bá truyền thông hiệu quả, tránh lối mòn. Xu hướng này có thể sẽ trở thành hướng đi được nhiều địa phương thực hiện trong thời gian tới.
Minh An (t/h)
Đưa Cát Bà thành đảo du lịch xanh vừa đáp ứng yêu cầu thời đại, vừa khẳng định cam kết của Việt Nam với thế giới về Net Zero. Điều này sẽ góp phần đưa Cát Bà thành tọa độ du lịch tầm cỡ quốc tế. Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Trần Đình Thiên đã nhận định như vậy khi bàn về việc định hình bản sắc cho du lịch Cát Bà.