Điện Biên: Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Giao lưu Văn hóa dân tộc Mông lần thứ V năm 2024
Chương trình Giao lưu Văn hóa dân tộc Mông lần thứ V năm 2024 tại Điện Biên sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách cả nước. Chương trình nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Chương trình Giao lưu văn hóa dân tộc Mông huyện Điện Biên lần thứ V, năm 2024 sẽ diễn ra từ 19h30 ngày 28/12/2024 (Thứ Bảy) và chính thức Khai mạc vào 7h30 ngày 29/12/2024 (Chủ nhật), tại bản Na Ư, xã Na Ư, huyện Điện Biên.
Chương trình Giao lưu văn hóa dân tộc Mông huyện Điện Biên lần thứ V năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động phong phú thu hút du khách như: Chương trình Giao lưu văn nghệ, múa khèn Mông; Thi trình diễn trang phục dân tộc; Giao lưu, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian; Trưng bày sản phẩm; Trình diễn Lễ hội truyền thống, trải nghiệm ẩm thực mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc Mông trên địa bàn huyện Điện Biên...
Giao lưu Văn hóa dân tộc Mông lần thứ V năm 2024 là một sự kiện lớn, tôn vinh văn hóa một dân tộc giàu truyền thống văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em để các tỉnh tham gia có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc ý thức trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng duyệt các tiết mục văn nghệ trước giờ G diễn ra Giao lưu văn hóa dân tộc Mông.
Theo Ban tổ chức, việc tổ chức Giao lưu Văn hóa dân tộc Mông nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam “Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; cụ thể hóa các mục tiêu trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Dân tộc Mông là một trong ba dân tộc có dân số lớn trong 21 dân tộc tại Điện Biên, chiếm 29,6% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên cư trú ở hầu hết các huyện, tập trung nhiều ở Tủa Chùa, Điện Biên Đông. Người Mông được chia thành 5 nhóm chính: Mông Đơ, Mông Lềnh, Mông Si, Mông Đu, Mông Sua. Nguồn sống chính của người Mông là làm nương rẫy, trồng ngô, trồng lúa. Người Mông thường cư trú ở các vùng núi cao, được biết đến là những người thợ thủ công tài hoa trong nghề rèn đúc.
Văn hóa của người Mông rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là lễ hội trong ngày Tết như: ném pao, múa khèn... Khi những nụ đào, mận chớm nở trên các triền núi cũng là lúc các chàng trai, cô gái Mông chuẩn bị cho ngày vui xuân của mình. Người Mông thường ăn Tết sớm hơn ngày Tết Cổ truyền của dân tộc. Những ngày Tết, bà con các làng bản lại tập trung tại những khoảng đất trống, rộng để vui chơi, múa hát. Nhiều nét văn hóa độc đáo của người Mông vẫn còn được lưu giữ, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc.
Việt DũngTheo Báo cáo triển vọng ngành thép năm 2025, SSI Research nhận định, nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10% trong năm 2025, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024 (số lượng căn mở bán mới đã tăng gấp đôi so với năm 2023).