Diễn đàn Giáo dục Khởi nghiệp Quốc gia thúc đẩy khởi nghiệp trong các trường đại học
Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, một trong những nhiệm vụ chính tại các trường đại học trong việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, giúp sinh viên hiểu rõ, hiểu đúng về khởi nghiệp, có tâm thế khởi nghiệp tốt.
Sáng 12/8, Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia phối hợp với các đơn vị, trường đại học và cao đẳng trong nước và quốc tế tổ chức "Diễn đàn giáo dục Khởi nghiệp Quốc gia - Những lý luận và thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam" lần thứ I.
Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tổ chức Diễn đàn nhằm trao đổi về những vấn đề nghiên cứu, đào tạo và thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam từ đó rút ra những khuyến nghị về chính sách và hoạt động phát triển khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam. Hơn 300 đại biểu là khách mời từ các cơ quan trung ương, các bộ, ban, ngành, 30 CLB sinh viên khởi nghiệp của các trường đại học, học viện, cao đẳng; các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương và thu hút nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến tham dự.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, diễn đàn Giáo dục Khởi nghiệp Quốc gia là một chương trình ý nghĩa, là vấn đề, nhiệm vụ được ngành Giáo dục quan tâm. Ông Việt cho rằng, một trong những nhiệm vụ chính tại các trường đại học trong việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đó là giúp sinh viên hiểu rõ, hiểu đúng về khởi nghiệp, có tâm thế khởi nghiệp tốt; Các nhà trường cần phải có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để giúp sinh viên có động lực đổi mới tư duy sáng tạo; Cần có sự đầu tư trang thiết bị, tăng cường sự kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư để hỗ trợ sinh viên hình thành các dự án khởi nghiệp ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, cần khắc phục những hạn chế như: Nhiều nhà trường vẫn chưa coi việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp là sứ mệnh; Nhiều phong trào chưa đi vào thực tiễn; Một số lãnh đạo nhà trường còn chưa thực sự quan tâm nên việc triển khai còn hạn chế,...
"Khởi nghiệp đồng nghĩa với bắt đầu một sự nghiệp kinh doanh sáng tạo. "Chìa khóa" của sự phát triển quốc gia ở thời điểm hiện tại nằm ở 2 cụm từ quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn vốn con người và khởi nghiệp sáng tạo. "Đây là đôi cánh của nền kinh tế". Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã trở thành những sự kiện thường niên giúp cho lan toả tinh thần khởi nghiệp trên phạm vi cả nước", Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Với tiến trình phát triển của thời đại, sứ mệnh của các trường đại học luôn được mở rộng cho phù hợp với sự phát triển của kinh tế, chính trị và xã hội, điều này khẳng định mối quan hệ chặt chẽ tồn tại giữa các hoạt động nghiên cứu, đào tạo của trường đại học với xã hội. Tức là nếu giai đoạn đầu tiên của đại học có mục đích chia sẻ tri thức; giai đoạn kế tiếp là nhằm mục đích sử dụng nghiên cứu để thu thập, truyền tải và tích hợp kiến thức mới; thì thế hệ thứ ba tổng hợp các phát triển kinh tế và xã hội và trọng tâm của việc chuyển giao tri thức cho các sứ mệnh đã được phát triển.
Do đó, có thể nói rằng, một loại hình trường đại học mới ra đời đó là trường đại học khởi nghiệp và xuất phát từ tính năng động của nó bằng cách tìm kiếm các nguồn tài nguyên mới và mối quan hệ với môi trường xung quanh.
Tiến sĩ Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia cho rằng, bàn về đặc điểm kinh doanh của các thành viên trong trường đại học, rất nhiều những học giả đều nhấn mạnh về các tác động của các trường đại học trong môi trường là việc phát triển kinh tế và xã hội từ việc tạo ra tri thức và vốn hóa tri thức. Nói như vậy, có nghĩa là trường đại học là đại diện cho một tác nhân kinh tế trong việc tích hợp phát triển kinh tế, giảng dạy và nghiên cứu. Sự phát triển này mang tính chất khu vực, với các phương pháp quản lý chiến lược, đa dạng hóa cơ sở tài chính và thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp…
Tại Diễn đàn, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã chia sẻ về con đường khởi nghiệp và kinh doanh của mình để truyền lửa cho tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. Từ việc buôn bất động sản, đến buôn chứng khoản và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Ông đưa ra quan điểm của mình là: Thứ nhất, nên mạnh dạn khởi nghiệp, đã xác định khởi nghiệp thì phải tập trung vào con đường đã lựa chọn.
Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa khuyên sinh viên phải biết nắm được thời cơ kinh doanh. "Làm thế nào để kết nối doanh nghiệp với sinh viên, việc này ở Việt Nam làm rất yếu kém, trong khi đó ở nước ngoài, doanh nghiệp rất quan tâm đến tài trợ cho các trường đại học, đặc biệt là thế hệ trẻ, sinh viên, nguồn tài nguyên tương lai của đất nước. Hiện nay ở Việt Nam tư tưởng kinh doanh chưa được bài bản, phần lớp thương mại đều trong tay nước ngoài.
Câu hỏi đặt ra đối với thị trường Việt Nam, có đến 70% thị trường xuất khẩu và kinh doanh đều trong tay nước ngoài. Vậy đây sẽ là câu hỏi đặt ra đối với nhà quản lý, nhà hoạch định, nhà đào tạo và nhà khởi nghiệp, đặc biệt là thế giới trẻ hiện nay đó là sinh viên Việt Nam", ông Nghĩa nói.
Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia được tổ chức không chỉ là ngày hội cho những thanh niên, sinh viên Việt Nam, mà diễn đàn còn là nơi để các doanh nghiệp tiếp cận và lựa chọn những tài năng trẻ. Diễn đàn tổ chức còn nhằm trao đổi những vấn về lý luận và thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay nhằm đề xuất những kiến nghị về chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên, sinh viên, thúc đẩy sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp phát triển trong tương lai.
Thanh ThủyLãi suất cho vay nhà ở xã hội của năm 2025 giảm xuống còn 4,7%/ năm. Đây là nội dung trong Quyết định số 2690/QĐ-NHNN về mức lãi suất áp dụng trong năm 2025, đối với các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở của các ngân hàng thương mại, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành.