Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023: Làm thế nào để vượt qua những khó khăn và thách thức?

Diễn đàn
09:46 PM 16/12/2022

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức" sẽ được diễn ra tại Trung tâm hội nghị Quốc gia.

Ngày 17/12, Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm. Chủ đề của diễn đàn lần này mang tên: "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức".

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023: Làm thế nào để vượt qua những khó khăn và thách thức? - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư (Nguồn: VGP)

Lý giải về việc chọn chủ đề này, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ: "Những dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản, thị trường vốn, rồi thanh khoản của các tổ chức tín dụng; khả năng chống chịu của nền kinh tế, năng lực tự chủ của nền kinh tế còn thấp… đặt ra những nhiệm vụ rất lớn, khó khăn cho chúng ta trong năm 2023.

Mà năm 2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng để đảm bảo việc thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025, cũng như việc thực hiện các đường lối, quan điểm phát triển mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, nên cần rút ra được bài học kinh nghiệm, nhận diện rất rõ những khó khăn, thách thức và cả những cơ hội trong phát triển".

Diễn đàn được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế đa phương và đại sứ quán, lãnh sự quán một số nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Diễn đàn sẽ thảo luận, làm rõ về bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Phiên toàn thể gồm 5 báo cáo chính: Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022 và định hướng điều hành 2023; Triển vọng kinh tế thế giới 2023 và các gợi ý chính sách cho Việt Nam; Những vấn đề đặt ra đối với kinh tế Việt Nam 2023 qua đánh giá phản ứng chính sách vĩ mô của các nước và dự báo viễn cảnh kinh tế châu Á 2023; Ổn định tài chính, lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản Việt Nam tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023; Tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.

Bốn hội thảo chuyên đề bao gồm: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới; Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023.

Trước thềm hội nghị, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào ví những thách thức đó như 3 "cơn gió ngược" với nền kinh tế Việt Nam.

Một là, điều kiện về tài chính toàn cầu đang thắt chặt hơn. Hai là, xung đột Nga - Ukraine. Ba là, sự giảm tốc trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Ở trong nước, ông Francois Painchaud nhận thấy 2 rủi ro với Việt Nam. Đó là lạm phát sẽ tiếp tục tăng, dẫn đến chính sách tiền tệ thắt chặt và thận trọng hơn; thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện nay.

Trong khi đó, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam cần xác định rằng, với một nền kinh tế như Việt Nam hiện nay, nguồn vốn quốc tế sẽ dần trở nên kém quan trọng hơn và nguồn vốn nội địa sẽ dần trở thành động lực chính cho tăng trưởng.

Như vậy, tại diễn đàn lần này, bên cạnh việc làm rõ được bài học kinh nghiệm, chúng ta cũng phải nhận diện rất rõ những khó khăn, thách thức và cả những cơ hội cho chúng ta trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như thực hiện các nghị quyết của Đảng.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.