Diễn giả eVMS 5.0 Trần Liên Phương: 'Doanh nghiệp Việt cần tăng sức đề kháng'
Trong Hội nghị Thượng đỉnh Hội nghị Thượng đỉnh Marketing Việt Nam (eVMS 5.0) lần này còn có sự góp mặt của bà Trần Phương Liên - Research Director - AMCO Consulting & Market Research.
Bà Trần Liên Phương là chuyên gia với hơn 20 năm nghiên cứu thị trường và nắm bắt tâm lí khách hàng đã từng chia sẻ cách tăng khả năng 'đọc vị' khách hàng và tăng sức 'đề kháng' cho doanh nghiệp trước nhiều thay đổi khó lường của thị trường thế giới. Bà Phương nhấn mạnh, sức mạnh của doanh nghiệp chỉ có thể có được nếu rèn luyện nghiêm túc và bài bản. Tức là có sự chuẩn bị rất chu đáo.
Theo bà Phương, trong năm 2020, xu hướng chung của thế giới thường là mang tính khoa học và công nghệ, đó cũng là xu thế phát triển tất yếu. Thế giới đang vận hành với tốc độ chóng mặt, những thứ tưởng chừng không thể thì nay đã trong tầm tay. Một vài quan sát cụ thể như việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) đang được nói tới nhiều, học máy (machine learning) hay trí tuệ nhân tạo cũng trở nên quen thuộc.
Việc đọc dữ liệu để hiểu tâm lí khách hàng nhằm tạo thêm trải nghiệm mới mẻ, thú vị cũng được hướng tới, trở thành điểm khác biệt và còn là ưu thế cạnh tranh cho các công ty, nhãn hàng. Ngay cả ngôn từ truyền thông cũng rất "bắt trend" và có hiệu ứng tốt, đó là cách các doanh nghiệp đang tự sáng tạo, đổi mới cách tiếp cận để có hiệu quả hơn.
Có nhiều xu hướng ở Việt Nam do doanh nghiệp Việt chủ động tạo ra khiến bà Phương cảm thấy vô cùng thú vị.
Theo bà, nhiều doanh nghiệp Việt biết tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tạo sóng, rồi dần hình thành xu thế. Trong ngành công nghiệp không khói, nhiều điểm đến thú vị cho các bạn trẻ thích phượt hay khám phá, nhiều điểm check-in với những chỗ sống ảo lung linh, độc đáo đã thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và thúc đẩy du lịch phát triển như Đà Lạt, Nha Trang, Phú Yên, Ninh Bình, Sapa… Tất cả đều nhờ tới mạng xã hội lan truyền.
Về sản xuất, cũng đã có rất nhiều ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả, giảm bớt rủi ro, tăng tính an toàn và độ chính xác trong sản xuất, đóng gói. Tuy nhiên, việc đổi mới sáng tạo vẫn chỉ đang dừng lại ở các doanh nghiệp lớn và thường phải có sự tư vấn của chuyên gia. Trong khi, điều này cần được phổ biến rộng rãi và hiểu đúng hơn để có thể phát huy hết công suất và có hiệu quả cao hơn.
Ngoài ra, xu hướng "tạo trải nghiệm mới" cho khách hàng đang được tập trung trong các ngành dịch vụ. Độc đáo nhất là ngành ẩm thực. Ít nơi nào có nhiều hàng quán đủ chủng loại, phong phú và được chăm chút về hình thức như ở nước mình. Chỗ nào cũng có quán đẹp, món ngon, rất riêng, rất lạ ở khắp mọi nơi trên cả nước. Có lẽ đó là lí do khiến cho trải nghiệm ẩm thực đường phố của Việt Nam luôn đứng đầu thế giới.
Có một xu hướng nữa nổi bật trong năm qua, mang dấu ấn của truyền thông là "tinh thần Việt", đem lại nhiều hiệu ứng về cảm xúc - mà điều gì đem lại cảm xúc thì để lại ấn tượng khó phai. Rất nhiều thương hiệu, nhiều doanh nghiệp, nhiều chiến dịch sử dụng "chiêu" này và thành công.
Vinfast là thương hiệu "thổi" tinh thần này lên cao nhất, nhưng có vẻ như chúng ta đã "bị lây" và "thấm" luôn cái tinh thần này từ "hiện tượng U23" vài năm trước. Chưa bao giờ ta thấy "ngùn ngụt" khí thế như thế và có rất nhiều thương hiệu "tận dụng" tốt nguồn cảm hứng này.
Tuy nhiên từ đầu năm nay, "nguồn cảm hứng" này phần nào bị lấn át bởi dịch cúm, chiến tranh thương mại…
Cụ thể, khi chưa hết hai tháng đầu năm, chúng ta cùng thế giới đã bị "giáng" nhiều đòn như thế. Cuối năm 2019, khi chiến tranh thương mại Trung - Mỹ chưa ngã ngũ, ta cũng hồi hộp và tranh thủ chớp lấy từng cơ hội khi các công ty Mỹ rục rịch rút khỏi Trung Quốc. Rồi trong khi ta còn "bận" điểm danh các "thành tích" cuối năm thì cả thế giới lại như ngồi trên ngọn núi lửa khi nghe tin Tổng thống Mỹ cho lệnh triệt tiêu tướng Iran. Nhiều người đã chuẩn bị kịch bản cho một cuộc thế chiến thứ ba nhưng rồi mọi sự tạm lắng dịu. Khoảng thời gian đó các doanh nghiệp Việt có giao thương với các nước Trung Đông và Mỹ chắc phải "khủng hoảng" lắm.
Chưa hết, chúng ta hớt hải lo cho xong mọi việc để đón năm Canh Tý với tâm thế là "nghỉ Tết cho xong qua tháng Giêng" để còn quay lại công việc sớm ngay đầu tháng 2 thì cuối cùng lại "phải" ăn cái Tết dài kỉ lục. Đang từ trạng thái "bình yên" thì ta lại vào thế bị động, nhiều thứ phải tạm ngừng lại. Ta không thể đi đâu, làm gì cũng phải cảnh giác và cẩn thận với tâm trạng bất an vì dịch bệnh.
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã rất khổ sở vì bị "mắc kẹt", dẫn đến đình trệ sản xuất và thất thu lớn. Những doanh nghiệp có tỉ trọng giao dịch nhiều với các đối tác Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, nếu chuyên nghiệp, thì đa số sẽ được bảo hiểm - đây là trường hợp thiên tai, dịch bệnh, bất khả kháng, không chỉ doanh nghiệp Việt chịu ảnh hưởng mà toàn thế giới đều bị.
Hiện nay, ngành du lịch, giao thông vận tải, hàng không và ẩm thực đang gánh chịu tổn thất rõ ràng khi mọi nơi đều vắng vẻ. Ngược lại, một số mặt hàng "thức thời" khác lại đang khan hiếm, ví dụ như sản xuất trang thiết bị y tế, hóa phẩm giúp diệt khuẩn, tẩy trùng...
Về mặt ý thức, chính những "trải nghiệm mùa dịch" này là cơ hội giúp nhiều người trong chúng ta suy ngẫm và điều chỉnh lại nhiều thói quen, hành vi chẳng hạn như thói quen phòng vệ, cẩn trọng hơn trong mua sắm, tiêu dùng, lưu ý hơn tới nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, phòng ngừa bằng mua bảo hiểm...
Từ đây, doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi để thích ứng với những thói quen mua sắm và tiêu dùng mới của dân chúng. Chẳng hạn, thương mại điện tử và các ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng được đẩy mạnh nhằm giúp giảm thiểu rủi ro do thông qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Giao dịch online sẽ nhận được sự ủng hộ từ người dân nhưng cần môi trường và giao diện dễ dàng, thuận lợi, thông tin sản phẩm rõ ràng, minh bạch hơn.
Bởi vậy, theo bà Phương chia sẻ, lúc nào cũng cần có sự chuẩn bị trước và lên phương án dự phòng như kiểu phòng chống dịch hiện nay. Quan trọng nhất là phải được trang bị kiến thức mới, được cập nhật xu hướng và quan tâm tới các diễn biến xung quanh. Lúc nào cũng phải có kiến thức thì mới có sự bình tĩnh để còn "nghĩ" được cách ứng phó kịp thời. Vì thời buổi này, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Chỉ cần một cú click là mọi thứ đã thay đổi.
Phải có thông tin để tiếp nhận kiến thức trước rồi mới hình thành nên ý thức và nhận thức. Khi đã có nhận thức thì tự khắc sẽ dẫn tới hành vi và hành động phù hợp - ít nhất cũng sẽ giúp ta giảm nhiều rủi ro và áp lực trong quản lí.
Tuy nhiên, ai cũng biết câu "khi cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra" - luôn là như vậy. Cho nên ta cần hết sức bình tĩnh, nhưng muốn bình tĩnh được thì cần có thông tin, kiến thức rõ ràng. Như vậy, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng. Cần có cách tiếp cận thông tin hiệu quả, kênh truyền thông đáng tin cậy và thông điệp rõ ràng. Doanh nghiệp cần trang bị cho nhân viên của mình từ mọi nguồn thông tin rõ ràng, minh bạch để tránh hoang mang, lo lắng khi có rủi ro ập đến.
Hiện nay các doanh nhân lẫn nhà đầu tư đang có xu hướng đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ sạch (quản lí tốt, minh bạch, thân thiện môi trường, chia sẻ với cộng đồng…), nhưng loại này cần đầu tư đường dài, thu hồi vốn chậm, rủi ro; trong khi một số khác chăm chăm vào đầu tư nhanh, thu hồi vốn sớm vì thị trường, người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng…
Xu hướng này đang trỗi dậy mạnh mẽ do được phong trào sống xanh và bảo vệ môi trường đang rầm rộ. Có nhiều doanh nghiệp thật sự có tâm huyết và đưa điều này vào tiêu chí hành động, nhưng cũng có những doanh nghiệp nhìn thấy ở trào lưu này tiềm năng phát triển và dùng tiêu chí này để "tranh thủ" lấy lòng các khách hàng khó tính một cách nhanh chóng. Đây là những doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ. Đâu có gì sai nếu họ không phạm luật.
Chắc chắn một điều là cái gì mới khởi phát thì đều có hai mặt, hoặc là cực dễ vì "khác" và chưa ai làm, thị trường bỏ ngỏ..., hoặc là cực khó do mình phải "khai phá" đầu tiên. Bao giờ cũng có rủi ro, mà đã kinh doanh thì phải chịu rủi ro không ít thì nhiều chứ nếu lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió thì chắc thế gian này chỉ toàn thương gia!
Trước thực tế trên, chuyên gia Trần Liên Phương cho rằng, doanh nghiệp cần trang bị "sức đề kháng" để có được sức khỏe tốt và sức đề kháng cao trong một thế giới nhiều thay đổi và biến động như vậy.
Sức đề kháng chính là sự chuẩn bị "nuôi cấy virus" có lợi - tức là lan truyền những điều tốt, rèn luyện thói quen tốt. Quay trở lại với vấn đề đã bàn ở trên, bà Phương đưa ra lời khuyên: Doanh nghiệp cần tập thói quen thu thập và tiếp nhận, phân tích thông tin sao cho hiệu quả, có bài bản và chuyên nghiệp, chứ không phải ai nói gì cũng nghe. Phải "mở óc" ra để liên tục học hỏi, cập nhật kiên thức mới trong mọi khía cạnh, không chỉ đơn thuần là kinh doanh.
Ví dụ như trong những giây phút "khủng hoảng" và hoang mang, sao ta không dùng thời gian này cho huấn luyện chuyên môn, kĩ năng cho nhân viên? Với công nghệ hiện đại thời nay, việc học online đâu quá xa vời và không hề kém hiệu quả thay vì để cho thời gian qua đi, ngồi đó chả làm gì, lại tiếp nhận thông tin chưa kiểm chứng, gây hoang mang thêm.
Một lần nữa, chỉ có kiến thức mới là sức "đề kháng" tốt nhất cho doanh nghiệp hay bất kì ai để vượt qua được những cơn đau lặt vặt, thậm chí đại dịch như hiện nay.
Bà TRẦN LIÊN PHƯƠNG
Research Director, AMCO Consulting & Market Research
Bà có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu quảng cáo và thị trường, là một trong những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu thị trường trong nước và khu vực.
Được huấn luyện và đào tạo chuyên sâu ở Hong Kong, Úc, Thái Lan, Singapore, Malaysia và được công nhận là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực ngôn ngữ và tâm lý học.
Chịu trách nhiệm chính trong nhiều dự án nghiên cứu thị trường lớn cho những khách hàng đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.