Diễn giả eVMS 5.0 - TS. Trần Ngọc Dũng: 'Tinh thần tối giản hóa bản chất sự việc trong khủng hoảng'

Diễn đàn eVMS 5.0
12:53 PM 24/11/2020

Xin giới thiệu tới độc giả bài viết của TS. Trần Ngọc Dũng, Nhà sáng lập - Giám đốc Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa, Nước mắm Tĩn, đồng thời là diễn giả góp mặt tại Marketing Việt Nam (eVMS 5.0), về bí quyết giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

Diễn giả eVMS 5.0 - Ts Trần Ngọc Dũng: 'Tinh thần tối giản hóa bản chất sự việc trong khủng hoảng'

Trong thời điểm khủng hoảng có 1 không 2 lúc này, từ chiêm nghiệm thực tế dự án Làng Chài Xưa trong 3 khía cạnh: phân bổ đầu tư, sử dụng nguồn lực và chiến lược sản phẩm - thị trường, xin chia sẻ 9 việc thực tiễn sau đây, hy vọng các bạn có thể thấy hữu ích.

Diễn giả eVMS 5.0 - Ts Trần Ngọc Dũng: 'Tinh thần tối giản hóa bản chất sự việc trong khủng hoảng' - Ảnh 1.

Diễn giả eVMS 5.0 - TS. Trần Ngọc Dũng.

Tình hình hiện nay mặc dù đóng cửa mảng du lịch gồm nhà hàng, show diễn, bảo tàng, dự án Làng Chài Xưa vẫn còn hoạt động mảng sản xuất, do sản phẩm nước mắm Tĩn từ đầu đã xác định không chỉ bán tại bảo tàng Làng Chài Xưa Phan Thiết, mà chủ yếu là phân phối tại các thành phố lớn khác. 

Là hàng nhu yếu phẩm nên các kênh phân phối vẫn còn đang hoạt động. Thậm chí, kênh thương mại điện tử với gian hàng nước mắm Tĩn trên Tiki và Lazada giao hàng tận nhà đang tăng trưởng tốt. Việc tinh giản bộ máy liên quan đến mảng du lịch đã thực hiện xong, lao động trong mảng này một số được điều chuyển sang mảng sản xuất, kinh doanh nước mắm, đặc sản, một số phải giảm giờ làm với thu nhập tối thiểu. 

Trong thời “bình” thì sản phẩm du lịch văn hóa truyền thông cho sản phẩm làng nghề, giờ thời “chiến” như vầy thì sản phẩm làng nghề nuôi tạm sản phẩm du lịch.

Từ thực tế này, tạm rút ra 3 việc đáng lẽ các doanh nghiệp phải làm trước khủng hoảng, do đó sau khủng hoảng nên điều chỉnh:

– Phân tích rủi ro, không bỏ trứng vào một giỏ, câu cơ bản nhưng lúc bận rộn cho thực thi, cho tăng trưởng chúng ta đã mất cảnh giác. Nên dành 80% nguồn đầu tư cho business chính nhưng ít nhất vẫn phải giữ 20% cho một mảng back-up (dự phòng).

– Cấu trúc doanh nghiệp phải có tính linh động cao, ứng phó thay đổi tốt: sử dụng nguồn lực outsource hợp đồng ngoài, bán thời gian, tận dụng hệ thống liên kết, hệ thống cộng tác, kênh phân phối linh hoạt.

– Phát huy tối đa tính đa dạng và đa chiều trong sản phẩm, thị trường, nhưng vẫn phải từ core competence (năng lực lõi) của chúng ta để đảm bảo hiệu quả.

Còn 3 việc thực tế cần làm trong lúc khủng hoảng:

– Tinh giản guồng máy, tiết giảm chi phí để vẫn tồn tại được và duy trì mối liên hệ tốt với nguồn lực đã tạm cắt giảm để có thể tái khởi động. Còn người thì một đống tro vẫn có thể bùng lại ngọn lửa.

– Dồn nguồn lực tốt nhất đang còn lại để nghiên cứu ý tưởng sản phẩm mới, thị trường mới, thị trường điều chỉnh. Operation (thực thi) có thể đứng hoặc chậm lại nhưng Strategy (chiến lược) không thể đứng, đây là thời gian vàng cho rà soát phát triển chiến lược.

– Tận dụng thời điểm này để cảm nhận tốt nhất những hạng mục hiện nay và lên kế hoạch tập trung đầu tư bền vững sau khủng hoảng

Và 3 việc cần thực hiện sau khủng hoảng:

– Huy động nhanh: nguồn lực đang có và đang còn giữ liên kết, quan hệ trong lúc khủng hoảng

– Đặt lại mục tiêu: cho năm 2020 trong bối cảnh nguồn lực và thị trường đang mới tái khởi động để tạo đà cho 2021 và 2022. Có thể xem 2020 như là 1 năm bản lề, năm cơ hội để nhìn lại và để tái cơ cấu cho phát triển dài hạn 10 năm đến 2030

– Luôn giữ bài học 2020: nhìn lại 2020 trong quá trình lên chiến lược và lập kế hoạch thực hiện cho những năm tới với cái nhìn và trải nghiệm đã thông suốt về cách phân bổ đầu tư, phân bổ nguồn lực và chiến lược sản phẩm – thị trường.

Xuyên suốt 9 việc trên chúng ta sẽ thấy rất cần một tinh thần chủ đạo, đó là Tinh thần tối giản hóa bản chất sự việc, mọi việc xảy ra đều có quy luật nguồn gốc của nó, hãy tập trung giải quyết vấn đề cốt lõi nhất:

– Về nguồn lực: từ tinh thần tối giản, chúng ta có thể đơn giản hóa quy trình, tập trung vào những nguồn lực mang lại hiệu quả, mạnh dạn bỏ đi bớt hoặc không đưa vào các nguồn rườm rà chưa rõ hiệu quả.

– Về thực thi các chỉ tiêu sản phẩm, dịch vụ khách hàng, thị trường: hãy luyện tập tinh thần tối giản, để tất cả những gì xảy ra xung quanh chúng ta đều sáng suốt tỉnh táo nhẹ nhàng quy chiếu về nguồn gốc của nó. Nhân viên làm mất khách hàng, khách hàng nghiệt ngã với chúng ta đều có background (nguyên nhân sâu xa) của nó hoặc cần chúng ta diễn giải, cảm thông, đặt mình vào vị trí nhân viên, khách hàng để có cách xử lý nhẹ nhàng hiệu quả nhất…

– Về đầu tư: đừng để đam mê ám ảnh bạn mà sống chết tất tay (all-in) điên cuồng vì một mục tiêu là số 10, để rồi quên đi rằng có những lúc bản thân bạn sẽ phải sống với số 2, vì vậy chỉ đặt tối đa hạn mức đầu tư là 8.

Còn ngay bây giờ trong lúc rảnh rỗi, hãy đọc cuốn sách “Người Tối Giản – Hành trình trở về số 0”. Bạn sẽ được thử trải nghiệm hành trình trở về số 0 để thấy rằng chính ở số 0, nếu đạt ngưỡng tinh thần tối giản, thì số 0 là một trạng thái tốt đẹp, ở đó bạn có tinh thần tự do nhất không bị ràng buộc bởi social norms (định kiến xã hội), ở đó bạn đạt được tinh thần vô sở hữu (không phải là không có tài sản mà là tinh thần không phụ thuộc vào tài sản) nên sẽ rất sáng suốt trong việc lên chiến lược và thực thi kế hoạch.

Diễn giả eVMS 5.0 - Ts Trần Ngọc Dũng: 'Tinh thần tối giản hóa bản chất sự việc trong khủng hoảng' - Ảnh 2.

Ảnh trên: Café với tác giả Phạm Quỳnh Giang, nghiên cứu sinh tiến sỹ, học ngành Hàn Quốc Học (Korean Study) bằng tiếng Anh tại nước Đức… lúc này là lúc dịch chưa bùng phát và hàng quán chưa bị đóng cửa. Ảnh dưới: Tác giả, cũng là chủ của một hệ thống spa và nhà hàng, sau khi dịch bùng phát, xuống tóc theo tinh thần tối giản.


TS. Trần Ngọc Dũng
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.