Điện mặt trời áp mái: Giải pháp năng lượng tái tạo hiệu quả
Với chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, rất nhiều dự án nguồn điện mặt trời đã được triển khai đầu tư xây dựng. Trong đó, điện mặt trời áp mái là một hình thức mới, ưu việt, có thể phát triển vượt bậc trong tương lai.
Trụ sở Công ty Điện lực Quảng Ninh
Sử dụng điện an toàn và tiết kiệm là đòi hỏi chung cho mọi cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân, nhất là trong dịp nắng nóng. Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tích cực tuyên truyền đến người dân cần hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa nhiệt độ, bếp điện,…); Sử dụng điều hòa nhiệt độ ở chế độ tối ưu (từ mức 26 độ C trở lên kèm quạt gió); Tắt bớt nguồn sáng và phụ tải không cần thiết; sớm chuyển hẳn sang dùng các thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, việc phát triển điện mặt trời áp mái được coi là giải pháp hiệu quả để bổ sung nguồn điện sử dụng tại chỗ, giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới điện mới, giảm tổn thất truyền tải.
Đồng thời, Công ty cũng đẩy mạnh công tác truyền thông khuyến nghị khách hàng sử dụng điện an toàn hiệu quả bằng cách lắp đặt điện mặt trời áp mái. Theo dự báo, tình hình nắng nóng sắp tới sẽ còn tiếp tục và diễn biến phức tạp nên sẽ có thời điểm hệ thống nguồn điện quốc gia phải huy động hết công suất để duy trì việc cung cấp điện. Giải pháp tốt nhất trong giai đoạn này là tăng cường việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, hiện nay, giải pháp tự cung cấp điện một phần bằng nguồn năng lượng mặt trời (hay còn gọi là điện mặt trời) đang nhận được nhiều sự quan tâm và đang là xu hướng phát triển của thế giới, vì: Đây là nguồn năng lượng tái tạo, vĩnh cửu, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch: than đá, dầu mỏ, …; Giúp tiết kiệm một phần chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới, ngoài ra còn có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện đối với các hệ thống điện mặt trời nối lưới; Không tốn chi phí vận hành, chi phí bảo trì thấp; Thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, trong quá trình vận hành không gây ra tiếng ồn và khói bụi.
Theo tài liệu khảo sát lượng bức xạ mặt trời của các tỉnh ở phía Bắc, bình quân trong năm có chừng 1.800 đến 2.100 giờ nắng. Mật độ năng lượng mặt trời biến đổi trong khoảng 300 đến 500 cal/cm2/ngày. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 1.800 đến 2.100 giờ. Như vậy, các tỉnh thành ở miền Bắc nước ta đều có thể sử dụng hiệu quả. Với các địa phương có số giờ nắng càng cao thì việc sử dụng điện mặt trời mái nhà càng thể hiện hiệu quả kinh tế rõ rệt, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế và môi trường cho khách hàng lắp đặt.
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ Doanh nghiệp tư nhân Trung tâm phân tích FPD tại TP Hạ Long cho biết: Doanh nghiệp của anh lắp đặt hệ thống mặt trời nối lưới từ tháng 5/2019, công suất lắp đặt là 19,5 kWp, giá điện mặt trời rơi vào khung giá 23.000 VNĐ/Wp (đã bao gồm VAT), tính toán theo giá điện hiện hành, đầu tư hệ thống mặt trời nối lưới áp mái sẽ hoàn vốn nhanh trong 5 năm. Trong khi đó, tuổi thọ của hệ thống lên tới 25-30 năm, như vậy doanh nghiệp có thể sinh lời tiền điện trong khoảng 20 năm còn lại sau hoàn vốn.
Anh Đồng Quang Mạnh, ngụ tại ô 20 lô A11 QHTT, phường Hồng Hải, TP Hạ Long cho biết, gia đình anh lắp hệ thống mặt trời áp mái 5 kWp vào tháng 9/2019 với giá đầu tư hơn 100 triệu đồng. Sau khi sử dụng điện mặt trời áp mái, gia đình anh tiết kiệm khoảng 40% chi phí tiền điện mỗi tháng. Tháng 4/2019, gia đình tôi chưa lắp điện mặt trời áp mái, sản lượng điện tiêu thụ là 1.372 kWh, chi phí tiền điện là hơn 4 triệu đồng. Gia đình tôi lắp điện mặt trời áp mái vào tháng 9/2019, làm một bài toán so sánh cùng kỳ tháng 4/2019, thì tháng 4/2020 sản lượng điện gia đình sử dụng từ lưới điện quốc gia là 898 kWh, như vậy ở mức giá 2.937 đồng gia đình tôi chỉ trả tiền có 498 kWh, chi phí tiền điện của gia đình tôi hết 2,6 triệu đồng, giảm 1,4 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2019.
Cũng trong tháng 4/2020, sản lượng điện dư của gia đình tôi phát lên lưới là 130 kWh, ngành điện mua với giá 1.943 đồng/kWh theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020. Với tính toán như trên thì trong tháng 4/2020 gia đình tôi tiết kiệm chi phí tiền điện là trên 1,6 triệu đồng. Với số tiền đầu tư như trên sau 5 năm gia đình tôi sẽ hoàn vốn, trong khi đó tuổi thọ của hệ thống lên tới 25-30 năm, gia đình sẽ sinh lời tiền điện trong khoảng 20 năm còn lại sau hoàn vốn, anh Mạnh cho biết.
Anh Đào Quang Tuấn, ngụ tại tổ 18 khu 7, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long cho biết: Gia đình anh mới lắp điện mặt trời áp mái vào đầu tháng 2/2020, với công suất 10,8 kWp, tổng mức đầu tư là 170 triệu đồng. Hàng tháng gia đình anh sử dụng điện hết trên 8 triệu đồng/tháng. Từ khi lắp điện mặt trời áp mái, hóa đơn tiền điện gia đình anh giảm còn 3 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, điện mặt trời áp mái nếu gia đình không sử dụng hết thì bán lại cho ngành điện bằng công tơ 2 chiều.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 11/2017/QĐ -TTg và gần đây nhất là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó giá mua điện mặt trời mái nhà được áp dụng từ thời điểm 1/7/2019 đến hết năm 2020 vẫn ở mức cao, hấp dẫn: 1.943 đồng/ kWh và thời gian áp dụng tới 20 năm. Theo đó, gia đình tôi nhận thấy việc lắp điện mặt trời áp mái sử dụng năng lượng tái tạo vừa giảm chi phí tiền điện cho gia đình vừa tiết kiệm điện giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Để bổ sung nguồn điện sử dụng tại chỗ, giảm áp lực đầu tư nguồn và lưới điện mới trong hệ thống điện, giảm tổn thất truyền tải, ngành điện rất mong nhận được sự quan tâm, hợp tác của Quý khách hàng trong việc sử dụng nguồn điện mặt trời, nhằm tiết kiệm chi phí sử dụng điện cho gia đình và góp phần chung tay thực hiện chủ trương sử dụng năng lượng tái tạo bền vững của Chính phủ.
Quý khách hàng có thể liên hệ với các nhà cung cấp lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để tìm hiểu và lắp đặt phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính của gia đình.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.