Điện mặt trời mái nhà dư thừa ở miền Bắc có thể được bán 20% công suất
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị nghiên cứu phương án tăng tỷ lệ mua điện dư phát lên lưới điện quốc gia lên 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc và 10% đối với khu vực miền Trung, miền Nam.
Nội dung trên được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu tại cuộc họp về dự thảo Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, ngày 26/7.
Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết trong dự thảo cuối cùng, cơ quan này vẫn giữ đề xuất điện mặt trời mái nhà tự dùng không nối lên lưới điện quốc gia được phát triển không giới hạn.
Trường hợp người dân chọn phát điện dư vào hệ thống sẽ chỉ được bán dưới 10% công suất lắp đặt. Lượng dư phát lên lưới cũng phải theo quy hoạch điện lực đã được phê duyệt, không vượt quá 2.600 MW đến 2030.
Song, Phó Thủ tướng cho rằng huy động nguồn năng lượng này lên lưới quốc gia cần căn cứ vào yêu cầu của đất nước, thực tế phát triển nguồn, đặc thù từng vùng, miền. Do đó, ông yêu cầu cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án nâng tỷ lệ mua điện dư phát lên lưới là 20% công suất lắp đặt ở miền Bắc. Miền Trung, Nam có thể giữ ở mức 10% như đề xuất ban đầu.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại khu, cụm công nghiệp, ngoài quy định doanh nghiệp tự đầu tư lắp đặt như trong dự thảo, cần cho phép thuê đơn vị khác lắp đặt để sử dụng.
Ngoài ra, phải có quy định các biện pháp kiểm soát bảo đảm an toàn hệ thống khi huy động điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát công suất dư lên lưới; giao cho điện lực địa phương giám sát, thực hiện theo từng khu vực, địa bàn.
Về phương pháp xác định giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu theo hướng áp dụng cơ chế bù - trừ, hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua. Trước đó, Bộ Công Thương đề xuất tạm áp mức từ 600-700 đồng một kWh, cụ thể ở 671 đồng một kWh (tính theo chi phí tránh được bình quân năm 2023).
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có chính sách khuyến khích rõ ràng để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, kèm theo thiết bị lưu trữ điện năng chuyển thành nguồn điện nền phát lên lưới vào giờ cao điểm, theo hướng "nhà nước, nhân dân cùng làm". Vì vậy, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ TN&MT rà soát ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
"Trường hợp người đầu tư lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng trở thành điện nền huy động vào giờ cao điểm cũng phải có ưu đãi về hỗ trợ thuế, tín dụng, được phát lên 100% công suất lắp đặt. Nếu vướng quy hoạch thì Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh khi bảo đảm công nghệ, kỹ thuật, chi phí giá thành", Phó Thủ tướng lưu ý.
Hiện cả nước có hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà, tổng công suất đặt hơn 9.500 MW. Theo Quy hoạch điện VIII, quy mô loại nguồn này đến năm 2030 thêm 2.600 MW hoặc đạt 50% các tòa nhà công sở, nhà dân.
Ngoài phát triển tại nhà dân, công sở, theo Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, nhiều khu, cụm công nghiệp cũng đang chờ Nghị định được ban hành để lắp đặt năng lượng mặt trời mái nhà.
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho rằng cần có cơ chế khuyến khích loại hình này tại khu, cụm công nghiệp. Việc này giúp giảm tải lưới điện tại chỗ, và có thể đầu tư hệ thống lưu trữ để chuyển thành điện nền huy động vào giờ cao điểm. "Đây là tiềm năng vô cùng lớn, có thể thực hiện ngay", đại diện doanh nghiệp cho hay.
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.