Điện trở thành con dao hai lưỡi khiến thị trường kim loại có nguy cơ sụp đổ

Thị trường
07:31 AM 03/10/2021

Thế giới sẽ cần nhiều hơn nữa những kim loại như đồng, nickel và nhôm trong quá trình giảm khí thải carbon. Tuy nhiên, cũng chính con đường đi đến năng lượng sạch vào lúc này lại đang khiến nhu cầu kim loại sụt giảm.

Những ngày gần đây, vấn đề được thị trường quan tâm nhiều nhất là tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc và Châu Âu ảnh hưởng tới hàng loạt các ngành sản xuất. Các ngành chế tạo bị đình trệ đã ảnh hưởng tới nhu cầu kim loại, gây áp lực giảm giá.

Tháng 9 kết thúc bằng một phiên mà ở đó giá tất cả các kim loại cơ bản đều giảm do những hạn chế về nguồn cung điện ở Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – gây lo lắng về triển vọng nhu cầu.

Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London (LME) kết thúc tháng 9 ở mức giá 8.934 USD/tấn, tính chung trong tháng 9 giảm 2,25%, đưa giá trong cả quý 3/2021 giảm quý đầu tiên trong vòng sáu quý trở lại đây. Các nhà giao dịch cảnh báo có nhiều khả năng giá đồng sẽ còn giảm nữa do lo ngại về giá năng lượng và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Giá đồng giảm bất chấp việc lượng đồng lưu kho trên các sàn giao dịch quốc tế đều giảm thấp. Lượng đồng lưu kho tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2009, hiện ở mức 43.525 tấn, giảm 2,5% so với một tuần trước đây. Tại các kho chứa hàng của sàn LME, lượng đồng hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 6, là 124.200 tấn.

Sản lượng đồng của nhà sản xuất hàng đầu thế giới - Chile - giảm 4,6% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 466.928 tấn.

Các kim loại cơ bản khác cũng đang lao dốc. Tính chung trong tháng 9, giá chì giảm 11,15% xuống 2.114,50 USD/tấn, nickel giảm 8,39% xuống 17.995 USD, nhôm giảm 6,94% xuống 2.861 USD/tấn, thiếc giảm 1,11% xuống 36.539 USD/tấn và kẽm giảm 0,74% xuống 3.014 USD.

Điện trở thành con dao hai lưỡi khiến thị trường kim loại có nguy cơ sụp đổ - Ảnh 1.

Hiệu suất của các kim loại cơ bản trong Q3.

Sự bùng nổ nhu cầu "xanh" khiến nhu cầu không ngừng tăng đối với năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng điện và xe điện, đồng nghĩa với nhu cầu kim loại sẽ tăng lên. Tuy nhiên, đầu tiên là Trung Quốc, và giờ đây là Châu Âu đang cho thấy điện giống như con dao hai lưỡi đối với các nhà sản xuất và chế tạo kim loại.

Giá điện ở châu Âu tăng là do nguồn cung khí đốt của Nga giảm, sản lượng điện gió cũng giảm, các nhà máy điện hạt nhân trong giai đoạn bảo dưỡng, giá carbon tăng và nhu cầu điện hồi phục mạnh sau đại dịch.

Ở Trung Quốc, việc hạn chế sử dụng điện đang lan đến chuỗi cung ứng, không chỉ tác động đến các nhà sản xuất chính mà còn tới cả các nhà chế tạo sản phẩm, một dấu hiệu đáng ngại về những gì có thể xảy đến với châu Âu, thậm chí sẽ kéo dài ngay cả khi mùa đông kết thúc.

Sự sụt giảm nguồn cung năng lượng ở Trung Quốc và Châu Âu là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để giảm khí phát thải.

Các nhà máy sản xuất kim loại có nguy cơ phải tốn kém chi phí nhiều hơn nữa cho giá điện tăng cao vì họ là những người sử dụng nhiều điện năng để chuyển đổi nguyên liệu thô thành kim loại tinh luyện.

"Các nhà sản xuất nhôm, đồng, nickel, kẽm và silicon đang nằm trong số những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá điện tăng cao ở châu Âu", thông tin từ Hiệp hội công nghiệp kim loại màu Eurometaux cho biết.

Các nhà máy luyện nhôm đặc biệt bị ảnh hưởng nặng vì cần một lượng điện năng rất lớn cho quá trình điện phân để chuyển alumin thành kim loại.

Eurometaux ước tính một nhà sản xuất nhôm tiêu thụ 14,5 MWh mỗi tấn nhôm được sản xuất đã chứng kiến chi phí năng lượng của họ tăng gần gấp bốn lần trong năm nay, từ 580 euro lên hơn 2.000 euro mỗi tấn, chiếm hơn 80% mức giá giao dịch trên LME hiện nay.

Ngành nhôm của Trung Quốc cũng rơi vào khó khăn vì lý do khủng hoảng năng lượng. Tại Trung Quốc, các lò luyện kim là mục tiêu đầu tiên để chính quyền các địa phương tìm cách giảm bớt căng thẳng trên thị trường điện. Cuộc khủng hoảng điện đã khiến hơn 2 triệu tấn công suất sản xuất nhôm của Trung Quốc phải ngừng hoạt động.

Tình trạng thiếu điện đã ảnh hưởng tới các sản xuất ở hạ nguồn, và giá thiếc ở Trung Quốc là điển hình cho vấn đề này. Theo Hiệp hội Thiếc Quốc tế, việc phân bổ điện năng ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc như Quảng Đông và Giang Tô đang làm mất đi một lượng đáng kể công suất hóa chất hàn và thiếc.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu cũng khiến nhà máy luyện chì - kẽm Plovdiv ở Bulgaria phải tạm dừng hoạt động, và buộc những nhà máy khác, như nhà máy luyện kẽm Nyrstar ở Hà Lan phải giảm sản lượng trong thời gian công suất cao điểm vì đó cũng là lúc sử dụng điện cao điểm.

Mùa đông đang đến gần, cuộc khủng hoảng điện dự báo sẽ chưa sớm kết thúc, khiến thị trường kim loại dự báo sẽ còn tiếp tục biến động trong thời gian tới.

Tham khảo: Mining, Cnbc

Vũ Ngọc Diệp
Ý kiến của bạn