Điện tử hóa, số hóa trên toàn bộ hệ thống quản lý thuế
"Trong các trụ cột chiến lược, có trụ cột là mối quan hệ giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Ngành thuế xác định nguyên tắc lấy người nộp thuế làm trung tâm, tức là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ", Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói.
Những năm qua cùng với việc thực thi các gói giải pháp tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, ngành Thuế cũng khẳng định vai trò tiên phong trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, cung cấp dịch vụ thuế điện tử chất lượng cao cho người nộp thuế (NNT).
Với tính chất quan trọng và phạm vi tác động rộng lớn của quá trình chuyển đổi toàn diện từ hóa đơn giấy sang HĐĐT, ngày 21/4/2022, ngành Thuế đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai Hệ thống HĐĐT toàn quốc để toàn bộ NNT sẽ áp dụng HĐĐT theo chuẩn định dạng thống nhất, có kết nối, chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38.
Sau gần 2 năm từ ngày triển khai hệ thống HĐĐT toàn quốc, đã có trên 851 ngàn DN và trên 65 ngàn hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng HĐĐT theo quy định; cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý trên 5 tỷ HĐĐT.
Việc triển khai HĐĐT đã thu hút đông đảo DN công nghệ số tham gia, với 96 tổ chức cung cấp giải pháp HĐĐT và 25 tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử ngành Thuế, mở ra một thời kỳ dịch vụ kinh tế số phát triển chưa từng có.
Đến nay, trên hệ sinh thái HĐĐT đã có 96 nhà cung cấp giải pháp, 25 tổ chức truyền nhận; 851.372 DN, tổ chức và 65.576 hộ, cá nhân kinh doanh triển khai HĐĐT; 5,055 tỷ HĐĐT đã phát hành; đã có 6.618 hóa đơn may mắn được trao thưởng cho NNT.
Cùng với HĐĐT, ngành Thuế cũng đã triển khai thành công Cổng thông tin điện tử phục vụ NNT kinh doanh TMĐT. Ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng dành cho nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, có hoạt động kinh doanh TMĐT dựa trên nền tảng số xuyên biên giới để họ thực hiện các thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế điện tử trực tiếp.
Tính đến hết tháng 9/2023, đã có 62 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện các thủ tục thuế qua Cổng, trong đó có 06 tập đoàn công nghệ lớn gồm Facebook, Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple; Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp qua Cổng là hơn 9 ngàn tỷ đồng. Kết quả này đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là bước chuyển quan trọng, khẳng định chủ quyền quản lý thuế của quốc gia đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT dựa trên nền tảng số xuyên biên giới.
Để hoàn thiện bức tranh cung cấp dịch vụ công cho các chủ thể kinh doanh TMĐT, ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin TMĐT nhằm hỗ trợ các sàn TMĐT gửi thông tin giao dịch qua sàn đến cơ quan thuế với khối lượng dữ liệu lớn, theo phương thức tập trung một địa chỉ nhận thông tin.
Tính đến tháng 9/2023, đã có 351 sàn TMĐT gửi thông tin qua Cổng, trong đó có dữ liệu giao dịch của hơn 34 ngàn nhà cung cấp là tổ chức tại Việt Nam, 136 nhà cung cấp là tổ chức nước ngoài, 214 ngàn nhà cung cấp là cá nhân tại Việt Nam, 7 nhà cung cấp là cá nhân nước ngoài.
Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ thuế điện tử cấp độ 3, 4 cho DN đã ổn định trong nhiều năm với các con số ấn tượng như: 99,8% DN khai thuế điện tử, 98,9% DN nộp thuế điện tử, 99,3% DN hoàn thuế điện tử.
Trong 3 năm qua, ngành Thuế cũng đã tập trung nguồn lực để mở rộng dịch vụ thuế điện tử cho cá nhân. Đến nay đã có trên 2.300.000 tài khoản thuế điện tử của cá nhân, có thể sử dụng các ứng dụng sau của ngành thuế: Khai thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng quý, hàng năm; Khai và nộp thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản; Khai và nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy.
Với ứng dụng eTax Mobile sử dụng qua smartphone, cá nhân có thể tra cứu thông tin về đăng ký thuế, tình trạng thực hiện nghĩa vụ thuế để biết số dư nợ, nộp thừa hiện thời; xem thông báo từ cơ quan thuế hoặc nộp thuế ngay trên App.
Có thể khẳng định, tiến trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột là "Chính phủ số, Kinh tế số và xã hội số", như vậy, với việc Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế triển khai nền tảng hoá đơn điện tử là một yếu tố then chốt để thúc đẩy cả 3 trụ cột.
Trong đó, Chính phủ số từ góc độ cơ quan quản lý, kinh tế số từ góc độ của các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, cả xã hội số đó là từ người dân. Trong chiến lược quốc gia thì nền tảng hoá đơn điện tử được coi là một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chuyển đổi số và việc ngành Thuế đẩy mạnh chuyển đổi số một cách đồng bộ đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của Bộ Tài chính và Chính phủ.
Phát biểu tại "Hội nghị biểu dương người nộp thuế tiêu biểu giai đoạn 2020 – 2022" sáng ngày 20/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, ngành thuế hướng tới tiếp tục cải cách toàn diện, điện tử hóa, số hóa theo mục tiêu lấy sự phục vụ người dân và doanh nghiệp ở mức hiệu quả cao nhất.
"Trong các trụ cột chiến lược, có trụ cột là mối quan hệ giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Ngành thuế xác định nguyên tắc lấy người nộp thuế làm trung tâm, tức là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Hướng tới mục tiêu cải cách hiện đại hóa thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thân thiện, hiệu quả, hiện đại. Đồng thời, xây dựng các chương trình cùng với người nộp thuế nâng cao tính tự nguyện tuân thủ", ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thành, ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý thuế hiện đại để bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp luật cũng như tạo sự bình đẳng trong việc chấp hành pháp luật về thuế. Tổ chức triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Chương trình hành động triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Nhật HàSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.