Điều bất ngờ sau 20 năm và bí quyết giúp các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc áp đảo phần còn lại của thế giới
Mỹ và Trung Quốc đang rất mạnh, chiếm tới 76 trong số 100 công ty lớn nhất thế giới. Số doanh nghiệp châu Âu giảm từ 41 trong năm 2000 xuống chỉ còn 15 ở thời điểm hiện tại.
Vào đúng tuần này cách đây 20 năm, giá cổ phiếu của 1 startup mà ông chủ là Jeff Bezos đã giảm 71% trong 12 tháng. Trải nghiệm "suýt chết" của Amazon chính là một phần của cú nổ bong bóng dot-com từng vạch trần sự kiêu căng của thung lũng Silicon. Cùng với vụ lừa đảo quy mô 14 tỷ USD của Enron, niềm tin vào các doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Cùng thời điểm đó, Trung Quốc đang chật vật tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn thua lỗ, và có rất ít dấu hiệu cho thấy văn hóa doanh nghiệp tư nhân có thể sinh sôi và nảy nở được ở đây.
Không phải ở Mỹ hay Trung Quốc, niềm hi vọng lớn nhất nằm ở châu Âu, nơi đồng tiền chung vừa mới ra đời hứa hẹn sẽ tạo ra 1 thị trường chung khổng lồ hết sức thân thiện với các doanh nghiệp.
Những sáng tạo vô biên thường khiến các dự báo trở nên ngớ ngẩn khi chúng ta nhìn lại. Tuy nhiên, kể cả theo những tiêu chuẩn này thì thế giới kinh doanh hậu Covid-19 khác biệt rất nhiều so với những gì bạn có thể tưởng tượng 20 năm trước.
Các công ty công nghệ hiện chiếm 25% tổng giá trị vốn hóa của TTCK toàn cầu và sự chênh lệch về địa lý đang lớn hơn bao giờ hết. Mỹ và Trung Quốc đang rất mạnh, chiếm tới 76 trong số 100 công ty lớn nhất thế giới. Số doanh nghiệp châu Âu giảm từ 41 trong năm 2000 xuống chỉ còn 15 ở thời điểm hiện tại.
Vì sao các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc áp đảo?
Mặc dù phần lớn sự chênh lệch này phản ánh sức mạnh của kinh tế Mỹ và Trung Quốc, có 2 câu hỏi lớn nổi lên: nguyên nhân là gì và điều này liệu có kéo dài lâu?
Thực ra thì các công ty lớn chưa chắc đã tốt hơn công ty nhỏ. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã thống trị trong những năm 1980 nhưng rồi lại sụp đổ. Quy mô lớn là 1 dấu hiệu của thành công nhưng trong nhiều trường hợp doanh nghiệp lại trở nên chậm chạp. Saudi Aramco, công ty giá trị thứ hai thế giới với giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD, lại trở thành biểu tượng cho mối nguy hiểm mà Saudi Arabia phải đối mặt nếu như không đa dạng hóa nền kinh tế và phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ.
Dẫu vậy, những tập đoàn khổng lồ vẫn là 1 dấu hiệu cho thấy 1 hệ sinh thái kinh doanh khỏe mạnh mà trong đó tạo ra các doanh nghiệp lớn và hoạt động hiệu quả. Đó cũng là bí quyết để nâng cao chất lượng cuộc sống trong dài hạn.
Một cách để miêu tả sự thống trị của Mỹ và Trung Quốc là so sánh tỷ trọng GDP của 2 nước trong GDP toàn cầu với tỷ trọng trong hoạt động kinh doanh toàn cầu (đo lường qua các chỉ số giá trị vốn hóa của TTCK, quy mô hoạt động IPO, số vốn đầu tư mạo hiểm huy động được, các startup có giá trị 1 tỷ USD trở lên và số doanh nghiệp lọt top 100 công ty lớn nhất toàn cầu). Theo thước đo này, Mỹ chiếm 24% GDP toàn cầu nhưng chiếm tới 48% hoạt động kinh doanh toàn cầu. Tỷ trọng của Trung Quốc lần lượt là 18% và 20%. Các quốc gia còn lại với 77% dân số thế giới nhưng chiếm tỷ trọng thấp hơn nhiều.
Châu Âu đã phung phí rất nhiều cơ hội. Bất ổn chính trị và cuộc khủng hoảng nợ giai đoạn 2010-12 đã làm ngưng trệ quá trình hợp nhất kinh tế của châu lục này. Các doanh nghiệp thất bại trong việc thích ứng với làn sóng dịch chuyển sang nền kinh tế vô hình. Châu Âu không có startup nào ngang ngửa với Amazon hay Goolge.
Các quốc gia khác cũng tụt lại phía sau. Cách đây 1 thập kỷ, Brazil, Mexico và Ấn Độ đều được dự báo sẽ sản sinh ra những doanh nghiệp tầm cỡ toàn cầu nhưng dự báo đó đã không trở thành hiện thực.
Thay vào đó, chỉ có Mỹ và Trung Quốc thống trị. Trong số 19 công ty hiện đang có giá trị hơn 100 tỷ USD được tạo ra trong 25 năm gần đây, có tới 9 công ty Mỹ và 8 công ty Trung Quốc. Châu Âu không có công ty nào. Kể cả khi những ông lớn công nghệ như Apple và Alibaba cố gắng củng cố sự thống trị của mình, một loạt những cái tên mới như Snap, Meituan và Pinduoduo cũng đang không ngừng lớn mạnh. Đại dịch càng tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ và Trung Quốc thống trị những lĩnh vực mới như fintech và xe điện.
Công thức tạo ra phép màu có rất nhiều nguyên liệu. Thị trường nội địa rộng lớn giúp các doanh nghiệp nhanh chóng nhân rộng quy mô. Thị trường vốn phát triển mạnh, mạng lưới các nhà đầu tư mạo hiểm và các trường đại học top đầu tạo điều kiện để các startup ra đời và phát triển.
Bên cạnh đó là văn hóa đề cao các doanh nhân. Các ông trùm Trung Quốc ca ngợi quy tắc làm việc "996" (làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày 1 tuần). Elon Musk ngủ lại nhà máy Tesla. Và trên tất cả là hệ thống chính trị khuyến khích đột phá sáng tạo.
20 năm nữa sẽ ra sao?
Tuy nhiên những diễn biến gần đây cho thấy môi trường chính trị ở cả Mỹ và Trung Quốc đang trở nên kém thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển và do đó sự thống trị của họ sẽ bị mai một. Lo ngại về tình trạng độc quyền và chính sách tồi tệ đối với người lao động, Mỹ siết chặt kiểm soát các ông lớn công nghệ. Điều nguy hiểm hơn là xu hướng ưa chuộng chủ nghĩa bảo hộ và mức thuế quá cao. Ở Trung Quốc, những gì xảy ra với Jack Ma là lời cảnh báo các doanh nhân cần hết sức thận trọng với các yếu tố chính trị.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa suy yếu, có nhiều cuộc tranh cãi nổi lên về việc các tập đoàn đa quốc gia nên sản xuất vaccine ở đâu cũng như đóng thuế ở đâu. Những nơi có sức mạnh về luật pháp như châu Âu sẽ tận dụng luật pháp để thực thi chủ nghĩa bảo hộ. Còn những nước yếu hơn có thể dựng lên những rào chắn. Ví dụ, Ấn Độ cấm TikTok và phân biệt đối xử với công ty Mỹ trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đây là điều tồi tệ bởi nó ngăn chặn người tiêu dùng nội địa tiếp cận với các phát kiến của thế giới và không tạo được môi trường tốt đẹp nhất để các doanh nghiệp trong nước phát triển.
Sẽ là một thảm họa nếu như trên toàn thế giới chỉ có 2 quốc gia chứng tỏ được khả năng thực hiện những sáng tạo mang tính hủy diệt trên quy mô lớn. Nhưng càng tồi tệ hơn nếu như Mỹ và Trung Quốc suy yếu. Tốt nhất là trong 20 năm nữa danh sách những công ty lớn nhất thế giới hoàn toàn khác biệt so với hiện nay.
Tham khảo The Economist
Thu HươngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.