Điều chỉnh cách thức diễn tập ứng phó sự cố tàu Cát Linh - Hà Đông
Sở GTVT Hà Nội thông tin, việc diễn tập sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp nhất và không làm ảnh hưởng đến sự đi lại của hành khách, đảm bảo an toàn cho người dân và hệ thống.
Trước những ý kiến về việc diễn tập ứng phó sự cố tàu Cát Linh-Hà Đông không báo trước, trao đổi với báo chí ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, quy trình vận hành tàu điện Cát Linh- Hà Đông có 63 tình huống - quy trình ứng cứu khẩn nguy từ cấp độ thấp đến cao. Đối với tình huống cấp độ cao sẽ có kế hoạch cụ thể để phối hợp liên ngành, với cấp độ thấp thuộc phạm vi xử lý của Hanoi Metro thì có thể chủ động xử lý. Mục đích của việc diễn tập là để rút kinh nghiệm và cập nhật quy trình để ngày càng hoàn thiện và nâng cao mức độ an toàn chạy tàu.
Ngày 20/12, ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, từ nay việc kích hoạt sẽ lựa chọn thời điểm phù hợp nhất và không làm ảnh hưởng đến sự đi lại của hành khách.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng khẳng định, ngay tại thời điểm diễn tập, hệ thống loa truyền thanh đã phát thông báo diễn tập để hành khách đi tàu nắm được. Các nhân viên của Metro Hà Nội tại nhà ga Cát Linh đã đứng tại cửa soát vé để xin lỗi hành khách của chuyến tàu đầu tiên sau diễn tập về sự bất tiện vừa xảy ra. Đây là một trong các nội dung của quy trình đã được xây dựng.
Với phương án và kịch bản chuẩn bị, ông Hải cho biết, mỗi lần kích hoạt diễn tập các đơn vị có liên quan sẽ có kịch bản chi tiết và được các bên liên quan thống nhất, sau đó được công khai minh bạch. Mục tiêu cao nhất của các lần kích hoạt các tình huống diễn tập là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống đường sắt đô thị, nhằm mang đến sự hài lòng tối đa của hành khách về dịch vụ. Do vậy, các đơn vị có trách nhiệm sẵn sàng lắng nghe đa chiều, trên tinh thần cầu thị tiếp thu và điều chỉnh, khắc phục các vấn đề tồn tại.
Sau việc tàu Cát Linh-Hà Đông đứng yên 30 phút, được thông báo tàu diễn tập “sự cố” mà không báo trước, nhiều chuyên gia có ý kiến về tình huống này.
Trao đổi với báo chí, GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp trường Đại học GTVT khẳng định, tàu đã có khách thì không nên diễn tập; đã diễn tập phải báo trước. “Hành khách đã mua vé lên tàu là đã dùng dịch vụ công cộng, theo quy định cơ quan quản lý phải cung cấp một dịch vụ đảm bảo, an toàn, thậm chí được bảo hiểm cho cả chuyến đi. Với tàu Cát Linh-Hà Đông hành khách đã bỏ tiền mua vé để di chuyển nhưng lại bị thí điểm dịch vụ là không được. Đó là thiếu tôn trọng hành khách”, GS.TS Từ Sỹ Sùa đánh giá.
GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, trong quá trình vận hành tàu đô thị không tránh được sự cố, song sự cố không phải xảy ra thường xuyên, chu kỳ lập lại 1 lỗi thường có chu kỳ 10 năm. “Theo tôi, các khuyến cáo của Tư vấn pháp đưa ra 16 lỗi tàu Cát Linh-Hà Đông có thể gặp trong quá trình vận hành. Đây chỉ là cảnh báo, còn thực tế sau hơn 40 ngày vận hành các lỗi trên chưa xuất hiện, cần phải để lỗi xảy ra ngẫu nhiên, sau đó đơn vị vận hành dựa vào kịch bản đã được đưa ra để xử lý”, ông Sùa nói.
Ông Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, khuyến nghị "việc diễn tập không báo trước cần phải cân nhắc thận trọng và nên nghiên cứu thêm".
"Diễn tập là cần thiết để cơ quan chức năng chủ động ứng phó với các sự cố có thể xảy trong quá trình vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Tuy nhiên, nếu diễn tập gây tâm lý bất an cho hành khách thì không nên", ông Hưng nêu quan điểm.
Các cơ quan chức năng của Hà Nội cần công khai 63 quy trình ứng phó khẩn nguy tàu Cát Linh-Hà Đông và các kịch bản, phương án liên quan. "Việc công khai phương án diễn tập là rất cần thiết bởi phải kết hợp giữa tuyên truyền và diễn tập nội bộ. Những người điều vận và đảm bảo an ninh trật tự phải được tập luyện trước. Hành khách thực hiện theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng. Người dân nắm được thông tin sẽ chủ động phối hợp thực hiện tốt hơn", ông Hưng nói.
HM (T/h)Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h hôm nay (26/12), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.